LCĐT - Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh lấy tên của đỉnh núi cao nhất, cao 1.748 m so với mực nước biển, đỉnh núi này được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Gia Lai. Kon Ka Kinh là một trong số 27 Vườn Quốc gia Đông Nam Á được công nhận là di sản ASEAN.
![]() |
Du khách khám phá Kon Ka Kinh. |
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở khu vực Đông và Tây dãy Trường Sơn, có diện tích trên 42.000 ha, trong đó, 93,3% diện tích của vườn là rừng. Hệ thực vật trong rừng rất phong phú và đa dạng với trên 1.000 loài thực vật. Thảm thực vật của Vườn gồm có các kiểu rừng chính: Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng kín hỗn giao lá rộng - lá kim mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới… Trong đó, đặc biệt quan trọng là 2.000 ha rừng hỗn giao lá rộng - lá kim, kiểu rừng chỉ thấy ở Kon Ka Kinh trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có một số loài cây quý hiếm như pơ mu với mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp, không bị mối mọt nên pơ mu là loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh đó, Vườn còn nhiều loài quý hiếm như thông năm lá, trắc, trò đãi, kim giao… Xen lẫn những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm là những thảm thực vật xanh mướt, những bông hoa đủ hình thù màu sắc và thay đổi màu phụ thuộc vào độ cao, mật độ ánh sáng nơi chúng sinh sống.
Sự đa dạng về sinh thái, nguồn thức ăn dồi dào, hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ tốt giúp Kon Ka Kinh thu hút và bảo tồn được nhiều loài động vật quý. Đây là ngôi nhà chung của 601 loài động vật, với 396 loài động vật có xương sống và 205 loài động vật không xương sống; trong đó có 79 loài thú, 235 loài chim, 43 loài bò sát, 39 loài ếch và trên 204 loài côn trùng. Ngoài những loài thú hoang dã đang dần bị tuyệt chủng ở nhiều nơi khác như mèo gấm, báo gấm, báo lửa, hổ… thì tại đây còn có các loài mang lớn, như mang Vũ Quang, mang Trường Sơn có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đi giữa rừng, thỉnh thoảng du khách còn bắt gặp những con vượn đen má, những chú vọoc chà vá chân xám, một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới kiếm ăn giữa các tán cây.
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn có nhiều loài chim đặc hữu như khướu đầu đen, khướu mỏ dài, nhưng loài khướu Kon Ka Kinh mới chính là biểu tượng của vườn. Sở dĩ, loài chim này có tên là khướu Kon Ka Kinh bởi nó được phát hiện lần đầu tiên tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và cũng chỉ mới được phát hiện trong vòng 30 năm trở lại đây ở châu Á, vì thế chim được mang luôn tên của khu vườn này. Khướu Kon Ka Kinh thân dài 22 cm, trán màu xám sọc đen, lông tai màu hạt dẻ, bụng phía trước màu xám xen kẽ đốm đen, phía sau màu đồng, lưng màu nâu và xám xanh, cánh và đuôi màu đen xen kẽ các sọc ngang màu trắng.
Kon Ka Kinh còn hấp dẫn du khách ở hệ thống suối, thác tự nhiên tuyệt đẹp như thác Đak Pooc, suối Knia, Đak Kơ Pưng, thác 95… trong đó thác 95 nổi tiếng đẹp và hùng vĩ được ví như dải lụa giữa núi rừng Kon Ka Kinh. Leo lên đỉnh Kon Ka Kinh, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, với những ngọn núi cao bao phủ bởi mây mù, những dòng thác từ trên cao tung bọt trắng xóa, vọng lại tiếng hót gọi bạn tìm nhau của muôn loài chim. Đến Kon Ka Kinh bạn đừng quên câu châm ngôn “Không lấy bất cứ thứ gì trong rừng và không để lại gì ở rừng ngoài những dấu chân khám phá”. Hãy khám phá Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để có cơ hội nghỉ dưỡng giữa thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên dưới chân dãy Trường Sơn lịch sử. Chuyến đi sẽ thêm phần ý nghĩa nếu du khách được thăm các bản làng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên chủ yếu là người Ba Na.