Theo Nghị định này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn này thì không xử phạt nhưng vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại đây.
Riêng với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi có dấu hiệu về bình đẳng giới thì bị xử phạt vi phạm hành chính.
Ngoài ra, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án gửi quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định phải gửi cho người có thẩm quyền xử phạt. Trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 3 tháng kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới, các tổ chức, cá nhân vi phạm phải các hành phạt như cảnh cáo, phạt tiền...với mức phạt tối thiểu từ 200 ngàn đồng đến tối đa là 40 triệu đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng các hình thức như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính. Bên cạnh các hình thức này, các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại; chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý; tiêu hủy các vật phẩm, văn hóa phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới...
Đặc biệt, người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt trục xuất.
Nghị định cũng nêu rõ, trong trường hợp các tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính về bính đẳng giới hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định xử phạt hành chính về bình đẳng giới, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính về bình đẳng giới.
Mặt khác, công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền về những vi phạm hành chính về bình đẳng giới và hành vi trái phép luật trong xử phạt.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2009.
(Theo NDĐT)