LCĐT - Giữa nhộn nhịp phố phường, giữa guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại với những lo toan trăm mối, tôi vẫn luôn dành cho mình một góc riêng trong trẻo và dịu dàng. Ở nơi ấy tôi được mặc lòng nghĩ suy, được trải lòng cùng những cảm xúc, những câu chuyện, hình ảnh mà mình yêu thích, khiến tâm hồn luôn được nuông chiều, thảnh thơi. Tôi gọi đó là góc văn thơ của riêng mình!
![]() |
Ảnh minh họa (Nguồn internet). |
Mẹ tôi vẫn bảo, con Út không biết giống ai, cả nhà theo các môn tự nhiên, mình nó yêu thích thơ văn. Thời còn hay dỗi hờn, nghe mẹ nói thế, tôi tủi thân lắm, lại được anh và chị hùa vào trêu chọc là “con dân quân, du kích, con ông hàng xóm” khiến tôi tức điên.
Ngày đó, sách báo thơ văn nào có nhiều như bây giờ, mà cũng làm gì đã có ti vi, điện thoại thông minh, rồi thì máy tính, mạng internet tiện lợi để mà lựa chọn, nên vớ được cuốn sách có tác phẩm văn chương nào là tôi đọc ngấu nghiến. Anh tôi học trên tôi 6 lớp. Chị tôi học trên tôi 2 lớp. Sách của anh học qua các năm được mẹ cất giữ cẩn thận để sau cho chị và tôi học. Ngày tôi học lớp 6, những cuốn sách văn học của anh chị từ lớp 7 cho đến tận lớp 12, tôi đều đọc hết, thậm chí còn thuộc làu làu những tác phẩm mà mình yêu thích. Đọc và cảm nhận, tôi như thấy những thước phim sống động chảy tràn trong tâm trí. Đó là tình yêu đất nước với khí thế hào hùng, âm hưởng hào sảng trong “Hịch tướng sĩ”; là niềm hứng khởi, sự tin yêu vào ngày mai tươi sáng trong “Mảnh trăng cuối rừng”, “Vợ chồng A Phủ”, “Vợ nhặt”; là tình yêu lãng mạn và đầy ngọt ngào trong “Mảnh trăng cuối rừng”. Đó còn là lý tưởng của những con người thời đại Hồ Chí Minh “cho đi tất cả chỉ quên mình” trong “Tiếng hát con tàu”, “Đất nước”, “Tây tiến”…
Cho đến tận bây giờ, dẫu công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, không chỉ dễ dàng truy cập các kênh truyền hình, các trang thông tin lớn để tìm hiểu các vấn đề văn hóa, văn nghệ hay một tác phẩm nào đó mà mình yêu thích, mà còn có thể tải phần mềm nghe đọc văn thơ về chiếc máy điện thoại nhỏ xinh để nghe tất cả những câu chuyện, áng văn một cách tiện lợi nhất, tôi vẫn thích tự mình đọc sách và cảm nhận những tác phẩm văn, thơ. Ở trong “khoảng trời riêng”, tôi được mặc sức hòa mình vào không gian của các tác phẩm, để cùng vui, buồn, khóc, cười và xúc cảm qua từng nhân vật. Ngay cả khi thấy lòng trống trải, đắng chát, tôi đều tìm đến những “người bạn” vô giá, để tìm chút bình yên, thư thái, nhẹ nhàng, đôi khi còn để tìm lời khuyên trong muôn mối tơ vò.
Yêu thơ văn, tôi còn tạo những cuốn sổ tay nhỏ xinh để ghi chép vào đó những câu thơ, dòng văn mà mình yêu thích; rồi cả những dòng cảm tưởng về những điều thú vị mà mình lượm lặt qua từng tác phẩm, coi đó như là kim chỉ nam trong cuộc sống của mình, để soi mình vào những câu chuyện, lời văn để thấy mình thật nhỏ bé, để thấy mình cần phải sống khác, sống tốt hơn, sâu sắc hơn.
Những cuốn sổ đã loang màu mực tuổi học trò lúc nào cũng khởi đầu bằng dòng chữ nắn nót: “Đời phải trải qua dông bão, nhưng đừng cúi đầu trước dông bão” (lời của nhân vật Paven trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô Nikolai Alekseyevich Ostrovsky). Và cho đến tận bây giờ, lời văn ấy vẫn luôn là chân lý giúp tôi thêm nghị lực vượt qua những bão tố cuộc đời.