Một ngày mới ở Khoán Púng thường bắt đầu muộn hơn ở Bản Mế. Nhiều người Khoán Púng vẫn tự nghĩ như thế, bởi khi Bản Mế nhìn thấy ánh mặt trời thì sương mù vẫn phủ khắp những nóc nhà nơi đây.
Khoán Púng, thôn khó khăn nhất xã Bản Mế (Si Ma Cai) nằm giữa lưng chừng núi, ngước lên là đỉnh núi Thào Chư Phìn, phía dưới là thung lũng sông Xanh. Không biết từ bao giờ, đồng bào người Nùng, người Thu Lao lại chọn cư trú tại nơi hiểm trở này. Cái thế dựa lưng vào núi ấy khiến công cuộc mở đường đến đây bị chậm trễ so với nhiều thôn, bản khác ở Bản Mế. Tuyến đường độc đạo đến với Khoán Púng nhiều năm nay vẫn là con đường ngoằn ngoèo, lởm chởm đất đá. Cũng vì thế, nhiều hộ dân nơi đây vẫn dùng ngựa làm phương tiện chính để đi lại.
Khoán Púng đón chúng tôi bằng cơn mưa nặng hạt, cây cối ngả nghiêng trong cơn gió mạnh, nhưng những căn nhà của người Nùng, người Thu Lao vẫn vững chãi đứng đó, như vẫn che chở cho người dân nơi đây bao đời nay. Trưởng thôn Cáo Sín Thành, dân tộc Nùng, năm nay mới ngoài 30 tuổi, nhưng đã là người “đứng mũi chịu sào” ở thôn gần 5 năm nay. Thôn vùng cao này có hai khu dân cư, nằm ở hai sườn núi, Trưởng thôn Thành bảo nhà bố mẹ anh ở khu trên kia, hồi nhỏ anh ở đấy, đến khi lấy vợ ra ở riêng thì gia đình đổi một ít ruộng nương để lấy đất khu này bởi “gần mặt đường dễ trao đổi hàng hóa hơn”. Những năm gần đây, càng có nhiều hộ rời núi, xuống “mặt đường” ở cho tiện như Trưởng thôn Thành. Đó thực sự là chuyển biến lớn trong cách nghĩ của người dân, thay đổi ấy đã và đang góp phần tạo nên khởi sắc trên mảnh đất này.
![]() |
Khó khăn đường lên Khoán Phúng. |
Cơn mưa chiều trút xuống khiến trời tối sầm lại, Trưởng thôn Thành vội lấy que diêm đốt bóng điện chiếu sáng bằng hệ thống biogas mà anh vừa thiết kế xong. Lại thêm một sự ngạc nhiên nữa mà trưởng thôn trẻ tuổi này mang đến cho chúng tôi. Thật không ngờ, phía sau căn nhà gỗ tuềnh toàng dựng cách đây gần chục năm là cả một hệ thống chuồng nuôi nhốt gia súc được xây kiên cố khép kín, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, lại không gây ô nhiễm môi trường.
Trưởng thôn Thành kể, ngày mới chuyển nhà xuống đây, anh chỉ mở dịch vụ xay xát và cung ứng phân bón cho bà con, nhưng nhiều người không có tiền, đến xay xát hoặc mua phân bón chỉ trả bằng ngô, bằng cám, bán đi thì không đủ một chuyến xe cho thương lái, để lại thì không biết làm thế nào. Xem truyền hình, đọc báo thấy nhiều mô hình chăn nuôi lợn hay, anh Thành nghĩ sao mình sẵn thức ăn thế này mà không thử? Và mô hình chăn nuôi lợn của anh ra đời từ đó. Ban đầu, chưa có vốn, nên anh cũng chỉ dám nuôi thử vài con, mỗi năm tích lũy một ít, năm 2006, anh quyết định vay thêm vốn từ ngân hàng để đầu tư chuồng nuôi nhốt gia súc cho thật quy củ để nuôi nhiều hơn. Bây giờ trong chuồng lúc nào cũng duy trì không dưới 20 con lợn, mỗi năm xuất chuồng gần 2 tấn lợn hơi. Từ mô hình chăn nuôi hiệu quả của Trưởng thôn Thành, nhiều hộ trong thôn đã học và làm theo, tuy vẫn chỉ nuôi quy mô nhỏ, nhưng đã góp phần giúp các hộ dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. “Bây giờ ở dưới huyện cũng biết mình nuôi rồi, chỉ cần gọi điện là họ lên mua ngay” - Trưởng thôn Thành vui mừng nói.
Thôn Khoán Púng có 71 hộ thì người Nùng chiếm tới 59 hộ, còn lại 12 hộ người Thu Lao. Khác dân tộc, nhưng từ bao đời nay, cộng đồng các dân tộc nơi đây luôn đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, đúng như Trưởng thôn Thành nói: “Cùng uống một nguồn nước, cùng trồng ngô trên một nương thì làm sao lại không coi nhau như anh em chứ!”. Rồi Trưởng thôn Thành khoe: Bà con người Thu Lao trong thôn cũng làm kinh tế giỏi lắm! Để minh chứng cho lời nói của mình, anh đưa chúng tôi lên nhà ông Tả Dìu Phù. Ngược con đường đất, qua những tràn ruộng như những bậc thang nối lên núi rừng xanh ngắt, trước mắt chúng tôi là căn nhà hai tầng to nhất thôn vừa mới xây.
Thấy chúng tôi trầm trồ xuýt xoa, ông Tả Dìu Phù cười bảo: “Mấy vụ ngô là đủ thôi mà”. Cũng như nhiều hộ khác trong thôn, nguồn thu chính của gia đình ông Phù phụ thuộc vào cây ngô. Nhưng trước đây, bà con chỉ sử dụng giống ngô địa phương nên năng suất thấp, nay được sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã đưa vào gieo trồng nhiều giống ngô mới cho năng suất cao hơn hẳn. Trưởng thôn Thành cho biết: Bây giờ trong thôn nhà ít nhất mỗi vụ cũng thu chừng 2 tấn ngô, còn nhà nhiều như Tả Dìu Phù thì gấp vài lần số ấy. Cây ngô bây giờ không còn là cây lương thực cứu đói nữa, mà thực sự trở thành cây hàng hóa giúp người dân từng bước thoát nghèo. Đời sống dần được nâng lên, người dân Khoán Púng đã có điều kiện hơn để chăm lo việc học hành của con trẻ. 95% số trẻ trong thôn được đi học đúng độ tuổi, trong thôn có nhiều người đã và đang theo các trường chuyên nghiệp và trở về làm cán bộ xã như chị Lù Thị Sương, vợ Trưởng thôn Cáo Sín Thành hiện đang là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Mế.
Cơn mưa cuối hè rồi cũng qua đi, trả lại bầu trời sáng trong, theo cơn gió thoảng, chúng tôi nghe thấy âm thanh kỳ lạ từ căn nhà gỗ sau đồi cây sa mộc. Thì ra, ông Hoàng Chín Pìn, 60 tuổi đang đánh thử một bản nhạc dân ca Thu Lao để sắp tới đi biểu diễn ở huyện. Những âm thanh đặc biệt từ cây đàn ản tắng 4 dây của dân tộc Thu Lao không thể lẫn với bất kỳ loại nhạc cụ nào khác. Cuộc sống ngày càng no đủ, nên những bài ca bằng tiếng Thu Lao ca ngợi quê hương, bản làng, kêu gọi bà con cùng đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế được ông Hoàng Chín Pìn cất lên nhiều hơn. Cuộc sống của người dân Khoán Púng vẫn còn nhiều thiếu thốn so với các thôn khác của Bản Mế, nhưng những đổi thay đang diễn ra từng ngày nơi đây thực sự mang lại cho chúng tôi niềm tin về một tương lai tươi sáng trên mảnh đất này.
Rời Khoán Púng khi nắng chiều đã tắt, lo con đường đất xuống Bản Mế không thể đi được sau trận mưa, chúng tôi lại ngược dốc theo tuyến đường cấp phối nối sang thôn Sán Chá (Thào Chư Phìn) rồi theo đường Sín Chéng về trung tâm huyện. Trước khi chia tay, Trưởng thôn Cáo Sín Thành nói với chúng tôi: “Các anh nhớ phản ánh con đường lên thôn còn nhiều khó khăn để bà con sớm có đường mới nhé!”. Chúng tôi gật đầu và hy vọng lần sau trở lại, đường đến Khoán Púng sẽ gần hơn.