LCĐT - Sau gần 6 tháng thực hiện Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an, toàn tỉnh có gần 1.800 xe máy điện được người dân mang đến đăng ký theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, hiện còn không ít xe máy điện đang lưu thông ở các địa phương chưa được đăng ký. Vậy nguyên nhân của tình trạng này ra sao? Trong khi chỉ còn ít ngày nữa, số xe máy điện còn lại liệu có được làm thủ tục đăng ký hết.
Căng mình để hoàn thành nhiệm vụ
Thông tư số 15/2014/BCA nêu rõ, kể từ ngày 6/12/2015 đến hết 30/6/2016, tất cả các trường hợp đến các cơ quan chức năng, như Phòng CSGT Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố để làm thủ tục đăng ký sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất, kể cả các loại xe mô tô điện, xe máy điện không có các thủ tục cần thiết, như hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, xe không có số khung, được miễn lệ phí trước bạ và lệ phí đăng ký.
Nhưng kể từ ngày 1/7/2016, để làm thủ tục đăng ký xe máy điện, các chủ phương tiện phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, cùng với đó người điều khiển xe máy điện khi tham gia giao thông nếu không, hoặc chưa đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định.
Hiện, có khoảng 80% số người sở hữu xe máy điện đến cơ quan chức năng làm thủ tục đăng ký. |
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân thực hiện đăng ký xe máy điện theo Thông tư số 54, năm 2015 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe đối với xe máy điện, Phòng CSGT Công an tỉnh đã triển khai 3 điểm tiếp nhận và làm thủ tục đăng ký ở trụ sở Công an tỉnh, Công an huyện Bảo Yên và Công an huyện Văn Bàn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện còn không ít địa phương, nhất là ở các huyện vùng cao, nhiều xe máy điện vẫn chưa được người dân mang đi đăng ký. Đến điểm làm thủ tục đăng ký phương tiện là Phòng CSGT Công an tỉnh, mặc dù trời nắng nóng, nhưng các chiến sỹ của đơn vị vẫn kiên trì thực hiện việc kiểm tra thông số kỹ thuật để làm thủ tục đăng ký cho những chiếc xe máy điện của người dân xếp hàng chờ. Bởi, càng đến gần ngày ngừng đăng ký xe không rõ nguồn gốc, lượng phương tiện được người dân mang đến làm thủ tục càng nhiều.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Đắc Long, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Đến nay, sau gần 6 tháng thực hiện Thông tư của Bộ Công an, toàn tỉnh đăng ký và cấp biển cho gần 1.800 xe máy điện. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ bộ và điều tra thực tế, hiện ở một số địa phương, số xe máy điện chưa đăng ký vẫn còn. Đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền các quy định tại Thông tư số 54 của Bộ Công an để chủ phương tiện biết thực hiện.
Còn những khó khăn cần tháo gỡ
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 1.800 xe máy điện trên địa bàn đã được chủ phương tiện thực hiện đăng ký, hiện vẫn còn khá lớn lượng xe máy điện chưa được người dân mang đi đăng ký theo quy định. Tại huyện Bảo Yên, đây là 1 trong 3 địa phương được Công an tỉnh lập điểm đăng ký xe máy điện cho nhân dân, theo thông tin từ Ban An toàn giao thông huyện, địa phương có khoảng hơn 200 xe máy điện đang lưu thông. Tuy nhiên, theo kết quả thống kê, đến thời điểm này, mới có 120 xe máy điện được đăng ký, điều này có nghĩa là còn gần một nửa số phương tiện chưa được đăng ký và hầu hết số này nằm ở các xã vùng xa, nơi mà lực lượng chức năng sẽ ít thực hiện việc kiểm tra, xử lý.
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh làm thủ tục đăng ký xe máy điện cho người dân. |
Còn tại huyện Văn Bàn, sau hơn 6 tháng triển khai làm thủ tục đăng ký cho xe máy điện, cũng mới có 45 phương tiện được đăng ký. Trong khi đó, đây là địa phương có lượng xe máy điện khá lớn đang lưu thông. Nói về những khó khăn khi tổ chức làm thủ tục đăng ký cho xe máy điện, Thượng úy Trần Duy Khánh, Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Văn Bàn cho biết: Hiện nhiều xe máy điện của người dân được mua từ lâu và không có nhãn mác hoặc nguồn gốc rõ ràng, nên khó xác định tiêu chí để làm thủ tục. Ngoài ra, do nhân dân các xã vùng xa còn coi nhẹ việc cần đăng ký xe máy điện khi sở hữu và sử dụng, hoặc ngại thực hiện các thủ tục hành chính, nên chưa mang xe máy điện đi đăng ký.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, việc tổ chức làm thủ tục đăng ký xe máy điện đang gặp một số khó khăn, do nhiều người dân mua xe máy điện trôi nổi ngoài thị trường, xe không có số khung, số máy; hoặc không có nhãn mác, nguồn gốc sản xuất, nên không đủ điều kiện để được đăng ký. Để khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã có đề nghị với Cục C67, Bộ Công an cho phép làm thủ tục đăng ký cho các xe máy điện chưa có nhãn mác, chưa rõ nguồn gốc được người dân mua và sử dụng trước ngày 30/6/2016 để tạo thuận lợi cho người dân.
Với giá cả phải chăng, chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là người dân có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe máy điện, mà không cần phải có bằng lái xe, không hạn chế về độ tuổi người điều khiển, nên đã trở thành phương tiện ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, điều mà đến nay nhiều người vẫn chưa biết rằng, nếu không làm thủ tục đăng ký xe máy điện của mình thì sẽ gặp nhiều rắc rối khi tham gia giao thông, như việc xác định chủ sở hữu, những vấn đề liên quan đến quyền lợi. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2016, chủ phương tiện không đăng ký xe mà sử dụng để tham gia giao thông sẽ bị xử phạt theo Điều 17, Nghị định 171, ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông. Mức phạt thấp nhất là 80.000 đồng, cao nhất là 1 triệu đồng; ngoài bị phạt tiền, người điều khiển xe máy điện khi vi phạm còn bị xử phạt bổ sung, như tịch thu biển số không đúng quy định; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện...