Triển lãm "Vũ điệu Bách long", gồm 100 tác phẩm gốm phù điêu của nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên, thể hiện 100 vũ điệu của linh vật rồng chào đón năm Giáp Thìn. Mỗi tác phẩm được mô tả ở một tư thế khác nhau, biểu hiện các thần thái của rồng, gắn với những nét đặc trưng trong truyền thống và văn hóa của người Việt, thể hiện khát vọng, sức sống mãnh liệt của tinh thần Việt. Sự hòa quyện của dáng vóc, màu sắc, đường nét của rồng trong sản phẩm do nghệ nhân sáng tạo nên đã gắn kết con người với văn hóa truyền thống, thiên nhiên để hướng tới những khát vọng tốt đẹp.
100 tác phẩm rồng độc bản mang linh khí, phong thái, vẻ đẹp kỳ bí và phóng khoáng, lấy nước men Hỏa Biến làm chủ đạo để tạo nên nhiều màu sắc khác lạ, ẩn chứa sự sáng tạo tinh xảo trên từng đường nét điêu khắc đắp nổi đã thể hiện rất sinh động sự uy dũng nghiêm trang nhưng cũng rất mềm mại uyển chuyển của linh vật rồng. Đó cũng là mong muốn của nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên muốn góp công sức sáng tạo của mình cho việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa và phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Ban tổ chức giới thiệu 600 tác phẩm vẽ rồng trên chất liệu mo cau của họa sỹ Hoàng Trúc được lựa chọn từ 2024 bức đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỉ lục là Bộ sưu tập tranh chủ đề rồng vẽ trên chất liệu mo cau nhiều nhất ở Việt Nam. Bộ sưu tập tranh vẽ rồng trên mo cau, là sự kết hợp của tình yêu hội họa cùng mong muốn gửi thông điệp về bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Triển lãm tranh "Rồng và Hoa" của họa sỹ Nghiêm Diệp Anh gồm 40 tranh bột màu với gam màu tươi sáng, thể hiện cảm quan của họa sỹ về mùa Xuân khi cây cối đâm chồi, nảy lộc, tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và sự mạnh mẽ, uyển chuyển của linh vật rồng mang đến phúc khí, may mắn chào đón năm Giáp Thìn, gửi gắm niềm tin và hy vọng một năm mới tràn đầy hạnh phúc, thịnh vượng.
Bên cạnh đó, BTC cũng giới thiệu 20 thiết kế được nghiên cứu, phỏng dựng lại từ triều phục cổ với hình ảnh rồng thêu trên long bào, mãng bào và bộ sưu tập áo dài "Vân long lưu vũ" gồm áo dài trên chất liệu tơ tằm khai thác hình tượng mỹ thuật cổ về rồng thời Lý, Trần và Nguyễn; Các sản phẩm gốm đặc sắc của làng nghề gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), Giang Cao (Hà Nội, Chu Đậu (Hải Dương) tập trung giới thiệu sản phẩm gốm gắn với linh vật rồng, gốm trang trí và ứng dụng chất lượng, độc đáo được sáng tạo bởi các nghệ nhân làng nghề.
Ban tổ chức cắt băng khai mạc Hội Xuân.
Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc, Ban tổ chức kết hợp cùng Quỹ hỗ trợ Bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam tạo nên "Chợ phiên di sản". Tại đây trưng bày sản phẩm của các địa phương đang phát triển du lịch di sản văn hóa, không gian Trà Việt; nghệ thuật thư pháp về mùa xuân, về tết; các bức thư pháp sen và rồng chào đón năm Giáp Thìn 2024 góp cho phong vị của ngày xuân càng thêm đậm đà… Hội Xuân còn có các gian hàng thiện nguyện với các sản phẩm chay và đặc sản vùng miền phục vụ mua sắm Tết; Hội hoa, cây cảnh của các nhà vườn ở Hà Nội, Lào Cai giới thiệu các loại hoa, cây cảnh: lan hồ điệp, địa lan, đào thất thốn, nhất chi mai, trạng nguyên, cúc mâm xôi…
Một số tác phẩm rồng tại Triển lãm.
Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật đặc sắc mừng xuân Giáp Thìn được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Hội Xuân có sự tham gia của nghệ sỹ, diễn viên đến từ nhiều nhà hát biểu diễn các chương trình: "Chào Xuân 2024 - Rồng bay lên", Gala "Xuân ấm áp", Giao lưu nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam "Mừng Đảng, mừng Xuân"…