Tổng thống Pháp Macron chỉ định ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới

Sau 3 vòng tham vấn chính trị, Tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron, ngày 5/9, đã chỉ định ông Michel Barnier, nguyên Trưởng đoàn đàm phán thoả thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) làm Thủ tướng mới của Pháp, tạm thời chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 2 tháng kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội đầu tháng 7/2024.

Thủ tướng mới của Pháp Michel Barnier năm nay 73 tuổi, là thành viên của đảng cánh hữu “Những người cộng hoà” (LR), từng giữ các chức bộ trưởng trong 4 chính phủ khác nhau tại Pháp và có 2 nhiệm kỳ làm uỷ viên châu Âu với thành tích nổi bật là thúc đẩy thành công thoả thuận Brexit giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.

Phát biểu tại lễ chuyển giao quyền lực, Thủ tướng mới Michel Barnier cho biết nền chính trị Pháp đang ở thời điểm khó khăn và cam kết sẽ có những thay đổi phù hợp với nguyện vọng của người dân Pháp:

“Những ưu tiên của chính phủ mới sẽ cần phải phản ứng tốt nhất có thể trước những thách thức, sự tức giận, nỗi đau, cảm giác bị bỏ rơi cũng như bị đối xử bất công. Một điều chắc chắn là chúng ta cần phải làm nhiều hơn là nói”.

Thách thức đầu tiên của tân Thủ tướng Michel Barnier là cần vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào cuối tháng này - Ảnh: Sud-Ouest
Thách thức đầu tiên của tân Thủ tướng Michel Barnier là cần vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào cuối tháng này - Ảnh: Sud-Ouest

Thủ tướng Michel Barnier nhấn mạnh các vấn đề trọng tâm trong thời gian tới là cải thiện dịch vụ công, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường an ninh, kiểm soát nhập cư cũng như cải thiện chất lượng sống.

Việc chỉ định ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới của Pháp là quyết định có phần bất ngờ của Tổng thống Emmanuel Macron sau 3 vòng tham vấn chính trị, tiếp xúc các chính đảng và nhiều ứng cử viên sáng giá của cả cánh tả và cánh hữu.

Người đứng đầu nước Pháp kỳ vọng một chính trị gia theo đường lối ôn hoà và có khả năng thương thuyết như ông Michel Barnier sẽ lôi kéo được phần nào sự ủng hộ từ các lực lượng chính trị trong Quốc hội Pháp vốn đang bị chia rẽ để đảm bảo sự ổn định thể chế chính trị.

Tuy nhiên, liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) tiếp tục chỉ trích Tổng thống Pháp Macron đi ngược lại lá phiếu cử tri khi chọn gương mặt chỉ xuất thân từ đảng lớn thứ 4 tại Quốc hội làm thủ tướng và có quan điểm tương đồng. Liên minh cánh tả khẳng định sẽ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm khi chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier ra mắt tại Quốc hội vào cuối tháng 9/2024.

Đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) tuyên bố sẽ chờ đợi Thủ tướng Michel Barnier công bố chính sách của chính phủ mới trước khi quyết định đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm hay không. Lãnh đạo đảng RN bà Marine Le Pen nhấn mạnh sẽ không tham gia vào chính phủ mới.

Các nhà phân tích nhận định, với việc bổ nhiệm một nhân vật kỹ trị như ông Michel Barnier, Pháp nhiều khả năng sẽ có một chính phủ kỹ thuật, giải quyết từng hồ sơ lớn dựa trên sự “đồng thuận” do thế chia 3 tại Quốc hội Pháp hiện nay.

Thách thức đầu tiên của tân Thủ tướng Michel Barnier là cần vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào cuối tháng này như cảnh báo của Liên minh cánh tả NFP.

Theo vov.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Triển vọng nào cho đàm phán Nga - Ukraine?

Triển vọng nào cho đàm phán Nga - Ukraine?

Lần đầu tiên sau hơn 3 năm, Nga và Ukraine sẽ ngồi vào bàn đàm phán, tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hiện tại. Đây sẽ là cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, với kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trên hành trình tìm kiếm giải pháp lâu dài, dù còn nhiều “ẩn số”.

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov, Moskva (Moscow) muốn thảo luận về một “giải pháp ổn định lâu dài” với Kiev trong cuộc đàm phán dự kiến sắp tới tại Istanbul, bao gồm cả việc công nhận các vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine như một phần không thể tách rời của Liên bang Nga.

Philippines bầu cử giữa nhiệm kỳ

Philippines bầu cử giữa nhiệm kỳ

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, ngày 12/5, hàng triệu cử tri Philippines bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy căng thẳng, nhằm chọn ra hơn 18.000 vị trí lãnh đạo từ cấp quốc gia đến địa phương.

fb yt zl tw