Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh báo cáo khái quát phạm vi, quy mô tuyến, vị trí điểm nối ray với Trung Quốc, quy hoạch nhà ga…
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có mục tiêu xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn 1435 mm, điện khí hóa, vận tải chung hành khách và hàng hóa; kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận với Trung Quốc.
Tuyến có điểm đầu tại vị trí nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng.
Chiều dài tuyến khoảng 417 km, trong đó chính tuyến dài khoảng 396,67 km, 2 nhánh kết nối với cảng Nam Đồ Sơn và cảng Đình Vũ dài khoảng 20,33 km. Tuyến đi qua địa phận 9 tỉnh/thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, gồm các hạng mục: lập và phê duyệt đề xuất dự án; lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; lập và trình Thủ tướng phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; đàm phán và ký Hiệp định vay; lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật; đấu thầu, đàm phán và ký kết hợp đồng xây lắp; giải phóng mặt bằng.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong cho biết, tỉnh Lào Cai đã làm việc và thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt về hướng tuyến, vị trí các ga trên địa bàn tỉnh; thành lập Tổ công tác để phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt trong quá trình triển khai dự án. Căn cứ phương án tuyến và ga đã thống nhất, tỉnh đã chủ động rà soát ranh giới, thống kê để xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn sẽ tạo động lực quan trọng phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu của Lào Cai, đồng thời thúc đẩy giao thương kết nối giữa Việt Nam và ASEAN với thị trường Tây Nam (Trung Quốc).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm khi thiết kế tuyến đường sắt mới phải ngắn nhất, thẳng nhất. Tính toán vị trí nhà ga, quy mô nhà ga phù hợp theo mô hình TOD (lấy giao thông làm trung tâm phát triển đô thị), đảm bảo tầm nhìn dài hạn, trở thành động lực phát triển cho khu vực.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, đề xuất cơ chế, chính sách trình Quốc hội vào đầu năm 2025. Phải có bộ phận chuyên trách về nội dung này, đồng thời tích cực làm việc với phía bạn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án.
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2025 phải khởi công toàn tuyến dự án đường sắt này, vì vậy ngay từ lúc này, Bộ Giao thông Vận tải phải xây dựng lộ trình, mốc thời gian cụ thể hoàn thành từng hạng mục; song song với đó, phối hợp với các địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.
* Thủ tướng thị sát khu vực điểm nối ray với Trung Quốc tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng
Chiều 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng tại khu vực điểm nối ray giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan, địa phương của tỉnh.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là tuyến đường sắt vận chuyển chung hành khách và hàng hóa, xây dựng theo tiêu chuẩn đường đơn trong ngắn hạn và đường đôi trong dài hạn, khổ 1435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế là 160km/h. Chiều dài chính tuyến gần 400km tính từ điểm nối ray với đường sắt Trung Quốc thuộc thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến ga cảng Lạch Huyện thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Vị trí điểm nối ray với Trung Quốc tại Km5+110 tại khu vực biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc. Tổng chiều dài tuyến đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai là 65,01km. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 238.417 tỷ đồng.
Tỉnh Lào Cai đã chủ động cung cấp tài liệu, phối hợp làm việc với đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án đường sắt làm cơ sở thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về hướng tuyến và các vị trí ga trên tuyến; thành lập Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt trong quá trình triển khai dự án.
Căn cứ phương án tuyến và ga đã thống nhất, tỉnh đã chủ động rà soát ranh giới, thống kê để xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn 2025 - 2030 các tuyến đường kết nối từ ga đường sắt đến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các tuyến đường trục để kết nối đến các khu, cụm công nghiệp, đến khu kinh tế cửa khẩu và khu du lịch nhằm khai thác hiệu quả tuyến đường sắt.
Trong chuyến công tác Trung Quốc tháng 11/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đây là tuyến đường sắt rất quan trọng, góp phần kết nối khuôn khổ "Vành đai, Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai kinh tế". Thông qua đó, tỉnh Vân Nam có đường ra biển nhanh hơn, góp phần giúp các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo. Việt Nam xác định tập trung làm tuyến đường này với mục tiêu khởi công trong năm 2025, trong đó 3 yếu tố quan trọng là coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ và triển khai các thủ tục theo quy định một cách nhanh nhất để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.