Đó là hành trình vĩ đại của cả dân tộc!
Góp công vào hành trình đó, người Lào Cai đã kiên gan, bền chí, một lòng theo Đảng, theo cách mạng chiến đấu, giải phóng quê hương.
Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết: Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra đất nước, để hôm nay, trong những ngày thu lịch sử, núi rừng Tây Bắc lại như vang vọng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tiếng gọi của lịch sử hào hùng.
Hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau, mỗi người dân Lào Cai dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, nhưng giàu lòng yêu nước và bản sắc dân tộc vẫn luôn sống chan hòa, gắn kết trong một gia đình lớn canh giữ biên cương, âm thầm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Còn nhớ lần thực tế công tác phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc giữa Tổ tự quản đường biên, mốc giới của thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu và lực lượng dân quân xã, chị Nông Thị Sảo, Bí thư Chi bộ thôn nói rằng hoạt động tuần tra như vậy được thực hiện đều đặn hằng tháng, cùng với đó là việc phát quang đường biên, mốc giới. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ cũng thường xuyên cung cấp những thông tin có giá trị cho Đồn Biên phòng Bản Lầu, góp phần thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh biên giới, an ninh, trật tự trong khu vực biên giới.
Không chỉ ở thôn Na Lốc 2, dọc suốt hơn 182 km đường biên giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai qua 26 xã, phường, thị trấn với 304 thôn, bản, tổ dân phố đều thành lập các tổ tự quản đường biên, cột mốc hoặc tổ tự quản giữ gìn an ninh, trật tự. Mô hình đã góp phần cùng với bộ đội biên phòng giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc quốc gia. Những người dân suốt từ biên cương Y Tý, A Mú Sung (Bát Xát) - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, đến ngã ba sông biên giới - thành phố Lào Cai, lên miền non cao núi nhọn Mường Khương, Si Ma Cai chính là những cột mốc sống miền biên ải.
Song hành với nhiệm vụ bảo vệ biên cương, Lào Cai cũng không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng cường sức mạnh của đất nước. Khai thác tốt lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, trở thành cầu nối trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Từng nằm trong tốp những tỉnh nghèo nhất nước, Lào Cai đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, năng lực cạnh tranh không ngừng được cải thiện với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhiều năm liền đứng trong tốp đầu cả nước và khu vực miền núi phía Bắc; đời sống người dân được cải thiện… Lào Cai đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Những năm gần đây, tỉnh Lào Cai luôn dành khoảng 70% nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính từ khi tái lập tỉnh năm 1991, tỷ lệ đói nghèo của Lào Cai chiếm gần 55%, trong đó tỷ lệ đói là 30%, thì nay con số này đã giảm mạnh, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2023 còn khoảng 14,94%. Cùng thời gian này, một khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Lào Cai xếp thứ 5 trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 - 2021.
Với vị trí chiến lược, Lào Cai luôn là địa điểm quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Hằng năm, tỉnh đón tiếp hàng nghìn lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch và thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, tích cực triển khai nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác với các tỉnh, thành phố của Trung Quốc, Lào và các nước ASEAN. Thông qua các chuyến thăm, trao đổi, ký kết các hiệp định hợp tác, Lào Cai đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Nhất là quan hệ đối ngoại với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã trở thành hình mẫu giữa các địa phương của Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc. Ngoài cơ chế hợp tác song phương, hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam tham gia cơ chế hợp tác giữa 5 tỉnh, thành phố trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Trung.
Việc quan tâm công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới; mở rộng quan hệ đối ngoại và giữ gìn đường biên, mốc giới quốc gia chính là nhằm cụ thể hóa quan điểm của Tỉnh ủy mà nhiều lần trong bài phát biểu tại các diễn đàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ của tỉnh là giữ rừng, giữ đất, giữ nước, giữ dân và giữ biên giới.
Trong suốt chặng đường 79 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Lào Cai đã khẳng định vị thế quantrọng của mình. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, Lào Cai sẽ tiếp tục giữ vững vai trò "Cột mốc biên cương Tổ quốc", góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững mạnh, hùng cường.