Vùng cao Tây Bắc thiếu giáo viên: Đâu là giải pháp?

Thiếu giáo viên ở vùng cao Tây Bắc, giải pháp nào để gỡ "nút thắt"?

Thiếu giáo viên, các địa phương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tạm thời như dồn trường, ghép lớp, tăng giờ lên lớp... để đảm bảo chất lượng năm học. Còn về lâu dài phải tính toán việc đặt hàng các trường sư phạm và lấy nguồn tại địa phương đưa đi đào tạo. Thế nhưng, lấy gì để giữ chân giáo viên ở lại vùng cao lại đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Năm học này, Lai Châu có hơn 150.000 học sinh, tại hơn 330 trường học và thiếu gần 1.000 giáo viên, trong đó có 300 giáo viên bộ môn Tin học và Tiếng Anh theo chỉ tiêu biên chế giao của tỉnh.

Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cho biết: "Địa phương đang phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tạm thời như dồn trường, ghép lớp, tăng giờ lên lớp... để đảm bảo chất lượng năm học. Còn về lâu dài phải tính toán việc đặt hàng các trường sư phạm và lấy nguồn tại địa phương đưa đi đào tạo. Thế nhưng, lấy gì để giữ chân giáo viên ở lại vùng cao lại đang là câu hỏi lớn chưa có lời giải khi các thầy cô vừa phải đứng lớp, vừa tăng gia sản xuất để có đủ thực phẩm cho chính bản thân và học sinh nhằm giữ các em ở lại trường theo đuổi ước mơ với con chữ.

"Chúng tôi đã phối hợp với các huyện để rà soát, sắp xếp lại giáo viên, điều động ở những nơi thiếu ít sang nơi thiếu nhiều. Rồi cũng chỉ đạo dồn học sinh ở những điểm trường nhỏ lẻ về các trường trung tâm có điều kiện đảm bảo để giảm số lớp. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi cũng đang phối hợp với các huyện tính toán việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116; rồi cũng tuyên truyền, khuyến khích học sinh tốt nghiệp THPT đi học các trường sư phạm, để tạo nguồn tuyển cho tỉnh Lai Châu trong thời gian tới", ông Lưu Hồng Phương nói.

Riêng với Lào Cai, đầu tầu kinh tế của Tây Bắc, dù đã mạnh tay đầu tư gần 40.000 tỷ đồng trong 10 năm qua cho giáo dục, với 20 khung chính sách đãi ngộ khác nhau, nhưng thực trạng thiếu giáo viên đòi hỏi địa phương này tiếp tục phải nâng cao mức thu hút, đãi ngộ để kéo nhân lực về, nhất là với bộ môn chuyên biệt như tiếng Anh.

Ông Ngô Hữu Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cho biết, dự kiến mức đề xuất hỗ trợ ban đầu với một giáo viên tiếng Anh về với Lào Cai dao động từ 80 – 150 triệu đồng: "Ngoài hỗ trợ ban đầu, chúng tôi cũng đề xuất với tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên tương ứng khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng ngoài lương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lên kế hoạch đặt hàng các trường đại học có uy tín trong cả nước đào tạo giáo viên cho tỉnh theo địa chỉ".

Còn đối với Yên Bái, các địa phương thiếu giáo viên không chỉ đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ sớm tuyển dụng bổ sung cho các nhà trường, mà còn chủ động tìm cách hợp lý hóa gia đình như một phương thức để thu hút nguồn nhân lực là con em địa phương về công tác.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Yên Bái chia sẻ với phóng viên về những giải pháp giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn.

Bà Lò Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn thông tin: "Về lâu dài, UBND huyện tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ tuyển dụng bổ sung số giáo viên, nhân viên còn thiếu mà chưa được tuyển dụng. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ xem xét tiếp nhận những viên chức là con em của huyện đang công tác ngoài tỉnh có nguyện vọng chuyển vùng công tác về sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện để bổ sung đội ngũ cho huyện và hợp lý hóa gia đình cho viên chức".

Trong vai trò cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước cấp tỉnh, ông Đỗ Đức Cảnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Yên Bái cho rằng, cùng với đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao bổ sung biên chế giáo viên cho tỉnh nhằm đáp ứng quy mô trường, lớp, thì cần phải thực hiện nhiều khâu: "Tăng cường tổ chức thi tuyển, xét tuyển giáo viên hàng năm và có văn bản gửi các Trường Đại học, trong đó có các trường Sư phạm, Ngoại ngữ… Sở Nội vụ cũng đã trực tiếp làm việc với Đại học Thái Nguyên và Giám đốc Sở Nội vụ đã trực tiếp tọa đàm với sinh viên các trường Đại học thuộc Đại học Thái Nguyên để giới thiệu về các chỉ tiêu tuyển dụng và chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Trao đổi với các tỉnh lân cận để đăng tải thông tin tuyển dụng, đảm bảo nguồn tuyển theo kế hoạch của tỉnh".

Cùng với đó, mức hỗ trợ ban đầu lên đến 100 triệu đồng cho 1 giáo viên về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn cũng là đột phá táo bạo thể hiện quyết tâm của một tỉnh còn nghèo như Yên Bái.

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết thêm: "Chúng tôi cũng đã phối hợp với đại học Thái Nguyên để thực hiện tuyển sinh đào tạo đại học sư phạm tiếng Anh. Nguồn tuyển là các em học sinh các trường dân tộc nội trú và các địa bàn vùng cao để chủ động nguồn giáo viên trong những năm tới. Sở cũng đã nghiên cứu xây dựng mô hình dạy học trực tuyến môn tiếng Anh để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời thực hiện chủ trương chuyển đổi số".

Ông Đào Anh Tuấn - PGĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cho biết tỉnh đang nhờ các địa phương miền xuôi dạy trực tuyến tiếng Anh trong bối cảnh thiếu giáo viên.

Song song với việc tuyển dụng bổ sung, sử dụng nguồn lực địa phương để nâng cao chế độ đãi ngộ, thì giải pháp qui hoạch lại mạng lưới trường lớp của Lào Cai cũng rất đáng để nhân rộng. 10 năm qua, Lào Cai đã xóa bỏ gần 400 điểm trường lẻ, vừa giúp hàng vạn học sinh khó khăn có cơ hội về trường chính học tập trong môi trường tốt hơn, vừa tiết kiệm được khoảng 1.800 giáo viên.

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho rằng, dồn trường, ghép lớp, dạy trực tuyến hay phong trào “phòng giúp phòng, trường giúp trường” cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề cốt lõi vẫn là chính sách, chế độ đãi ngộ giành cho giáo viên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn như các tỉnh Tây Bắc. Trước mắt, để yên tâm với nghề thì giáo viên phải đủ sống. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng nêu rõ, lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng.

"Đây là chủ trương trong Nghị quyết 29 đã được ban hành nhưng hiện nay chưa được thực hiện và đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu có chính sách đặc thù riêng cho giáo viên công tác ở các vùng cao, vùng sâu, miền núi như Lào Cai thì chúng ta mới có thể thu hút và giữ chân được đội ngũ", bà Nguyệt nói.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 ở địa phương, ông Đặng Xuân Phong, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, tỉnh cần tiếp tục nêu cao tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc và phải có tầm nhìn, giải pháp dài hơi hơn nữa đối với sự nghiệp trồng người, tránh chạy theo sự vụ và thiếu chủ động như hiện nay: "Vì là hàng đầu nên chúng ta phải đặt mục tiêu trước cả kinh tế xã hội. Phải tiếp tục đổi mới, mà đổi mới phải toàn diện, cuối cùng phải đi đến chất lượng và hiệu quả. Đây vừa là căn cơ, vừa là chiến lược lâu dài. Liệu ngành giáo dục đã có chiến lược nào lâu dài 50 năm, 100 năm chưa, hay mới có những Đề án cụ thể để triển khai một Nghị quyết của Đại hội nhiệm kì 5 năm"?

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngô Thị Minh, Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Nếu như được Quốc hội thông qua, Luật Nhà giáo sẽ góp phần làm rõ hơn tính đặc thù, tạo sự bình đẳng trong xã hội.

"Bình đẳng làm sao để các cơ sở ngoài công lập sẽ hút học sinh ra, qua đó gánh vác nhiều hơn trách nhiệm với Nhà nước; đồng thời thu hút giáo viên để các đơn vị đào tạo và có chính sách tốt hơn ở những nơi thuận lợi trong cả nước. Từ đó, giáo viên ở những vùng khó khăn sẽ được đầu tư quan tâm hơn, để lương, phụ cấp ngoài lương của các thầy cô được tốt hơn, có như vậy mới thu hút được đội ngũ", Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Điều rất vui mừng và nhiều thầy cô giáo vùng cao đang chờ đợi và coi đó là động lực chính là quyết tâm thực hiện lộ trình chế độ tiền lương mới từ 1/7 năm tới được Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13 quyết định tại kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Bởi khi đã yên tâm với nghề, thầy cô sẽ hạnh phúc. Khi thầy cô hạnh phúc, mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” sẽ thành hiện thực. Và khi đó mỗi ngày đến trường sẽ là 1 ngày vui. Và hành trình đưa miền núi tiến kịp miền xuôi thông qua giáo dục sẽ không còn chông gai.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh giành giải Nhất vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc

Sáng 12/11, tại thành phố Lào Cai, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức vòng loại Cuộc thi Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy cho học sinh khu vực Tây Bắc năm 2024.

fbytzltw