Thiệt hại 175 người và gần 19.500 tỷ đồng do thiên tai trong năm 2022

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.

Thiệt hại 19.500 tỷ đồng do thiên tai

Thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài. Đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng đi vào khai thác, vận hành.

Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm cơ sở vật chất của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đặt tại Bộ NN-PTNT.

Đặc biệt, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm (Quỳnh Lưu 662mm; Con Cuông 650mm), gây ngập lụt tại khu vực đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn.

Mưa lớn sau bão số 5 (tại thành phố Đà Nẵng mưa rất to tại Suối Đá 831mm, vượt lịch sử năm 2018 là 635mm; cường suất rất lớn 642mm/7 giờ từ 15-21h/14/10/2022) đã gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình - Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng có nơi tới 1,5-2,0m tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; 247 trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum…

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 tại Hội nghị.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 3 trận mưa lớn, 21 trận dông lốc, 12 vụ sạt lở bờ sông, 78 trận động đất, 2 đợt rét hại và 12 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển, trong đó ngay cuối tháng 3/2023 đã xảy ra nắng nóng vượt lịch sử cùng thời kỳ tại Hòa Bình. Thiên tai từ đầu năm 2023 đã làm 7 người mất tích, thiệt hại kinh tế gần 25 tỷ đồng.

Song hành 3 nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Theo đó, năm 2022, công tác phòng ngừa thiên tai đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh năm 2021 thông qua Bộ chỉ số và hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Bộ chỉ số năm 2022.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.

Qua triển khai thực hiện, Bộ Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai đã giúp các tỉnh, thành phố thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai để điều chỉnh giải pháp triển khai hàng năm.

Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã thực hiện dự báo thời tiết, thủy văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Năm 2022, công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai đã được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn nên đã giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 cũng được quan tâm, triển khai nhanh chóng.

Cùng với đó, công tác cứu hộ, cứu nạn được tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tính từ ngày 1/01/2022 đến 31/3/2023, toàn quốc đã điều động 235.905 lượt người và 21.682 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn 5.464 vụ, cứu được 5.542 người và 349 phương tiện; di dời 32.142 hộ dân đến nơi an toàn, khắc phục 4.473 nhà dân và 198 km đường; thu hoạch 23.540 ha lúa, hoa màu, dập cháy 765 nhà và 815ha rừng, kêu gọi thông báo cho 480.248 phương tiện/2.298.145 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời di chuyển, tránh trú đến nơi an toàn.

Còn thiệt hại về người do chủ quan, bất cẩn

“Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai năm qua cũng còn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm và hạn chế mới phát sinh cần sớm được khắc phục”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định.

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 cũng được quan tâm, triển khai nhanh chóng.

Cụ thể, vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn trong khi diễn biến thiên tai cực đoan, bất thường, thiệt hại về người do lốc, sét chiếm tỷ lệ lớn (59 người, chiếm 34%). Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung cũng như công trình phòng, chống thiên tai nói riêng còn thấp; phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế (phương tiện, trang thiết bị,…).

Việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện với các kịch bản thiên tai, nhất là các tỉnh huống mưa đặc biệt lớn trong thời gian ngắn gây ngập sâu như tại Đà Nẵng ngày 14/10/2022 và tại Hà Nội, Vĩnh Phúc đợt mưa lũ cuối tháng 5/2022; xây dựng quy hoạch thoát nước đô thị chưa chú trọng đến công tác phòng, chống thiên tai.

Việc thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã có nơi còn hình thức; công tác tập huấn, huấn luyện kỹ năng phòng, chống thiên tai cho lực lượng xung kích có nơi chưa được chú trọng; trang bị công cụ, dụng cụ, phương tiện cho lực lượng xung kích chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác vận hành hồ chứa còn bị động, quy trình vận hành còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác phối hợp chỉ đạo điều hành hồ chứa liên tỉnh; bản tin dự báo và các đơn vị tính toán tham mưu chưa theo sát được với diễn biến nhanh của mưa, lũ; hiệu quả và độ tin cậy chưa cao, nhiều địa phương còn thiếu các công cụ hỗ trợ trong việc ra quyết định điều hành vận hành hồ chứa.

Tính từ ngày 1/01/2022 đến 31/3/2023, toàn quốc đã điều động 235.905 lượt người và 21.682 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Công tác dự báo, cảnh báo sớm, đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như lũ quét, mưa lớn cực đoan, dông, lốc, sét trong thời đoạn ngắn còn hạn chế; thông tin cảnh báo sớm đến người dân ở khu vực thường xuyên xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lớn trong một số trường hợp còn chưa được kịp thời, đầy đủ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương; chưa có dòng ngân sách riêng để chủ động khắc phục hậu quả thiên tai.

Bên cạnh đó, ciệc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai Trung ương chưa hoàn thành. Tiến độ triển khai công tác khắc phục hậu quả ở một số địa phương triển khai còn chậm, không dứt điểm mặc dù đã có quy định của pháp luật, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc giảm hiệu quả đầu tư như việc phân bổ và triển khai kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả năm 2021, 2022.

Báo Nông Nghiệp

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đáng chú ý, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ khẩn trương thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ đắc lực bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt...

fb yt zl tw