Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 11.688 tỷ đồng
Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm diễn ra sôi động bởi tháng đầu năm trùng với tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng.
Các siêu thị, trung tâm thương mại, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã triển khai rộng rãi các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, bốc thăm trúng thưởng dịp tết. Bước vào tháng 2 và tháng 3, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội truyền thống và triển khai các hoạt động kích cầu du lịch nên lượng khách tham quan, du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm và sản phẩm hàng hóa tiêu dùng dồi dào, hàng hóa được lưu thông thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Giá hàng hóa cũng được đánh giá ổn định, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.
Theo đại diện cửa hàng kinh doanh Hường Lâm Mart tại thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà), thị trường tiêu dùng những tháng đầu năm khá sôi động, sức mua tiếp tục tăng nhưng cửa hàng vẫn bảo đảm đủ nguồn hàng hóa với giá bán và chất lượng ổn định.
Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang dần phục hồi, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng. Đơn vị luôn chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa với giá ổn định và có các chương trình khuyến mãi theo từng thời điểm.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã tiếp nhận gần 5.000 hồ sơ thông báo thực hiện chương trình khuyến mại của các đơn vị, doanh nghiệp với hình thức giảm giá, tặng quà, mua hàng tặng quà, bốc thăm trúng thưởng, quay số trúng thưởng... Qua đó đã kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sức mua sắm và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm đạt gần 11.688 tỷ đồng, bằng 34% so với kế hoạch (34.400 tỷ đồng), tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước...
Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ
Ông Phạm Quốc Vượng, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Những năm qua, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được quan tâm, ưu tiên thu hút đầu tư và mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề, bao gồm cả thương nghiệp, nhà hàng ăn uống, dịch vụ.
Hiện nay, mạng lưới kinh doanh truyền thống và hiện đại đã mở rộng đến các xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 20 cửa hàng tiện ích, 72 chợ truyền thống và hàng chục nghìn cửa hàng chuyên doanh, tạp hóa đang hoạt động ổn định.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích đã linh hoạt thực hiện các giải pháp phù hợp để ổn định, phát triển kinh doanh, chủ động đón đầu xu hướng mua sắm mới, đặc biệt là tích cực sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp và trực tuyến nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng, xu hướng bán hàng trên nền tảng công nghệ số để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả, lợi nhuận kinh doanh.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, để phát triển thương mại, dịch vụ và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sở phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị liên quan thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, trong đó tập trung xã hội hóa xây dựng mới các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện ích…
Khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh chủ động mở rộng thị trường phân phối đồng đều ở tất cả các khu vực thành thị, nông thôn, tạo cho người dân có cơ hội mua sắm các mặt hàng đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh.
Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về nông thôn. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh nhằm xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, an toàn, hiệu quả.