Đề án xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số. Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân, nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số. Mô hình giáo dục ĐH số hướng tới việc chia sẻ trên cơ sở phát triển hệ thống nền tảng và học liệu quốc gia, đồng thời khai thác có hiệu quả những nguồn học liệu giá trị có sẵn trên thế giới. Mô hình sẽ kế thừa có chọn lọc các mô hình thành công trên thế giới, áp dụng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của giáo dục ĐH Việt Nam; có khả năng tương tác với các mô hình ĐH số trên thế giới.
Phạm vi thí điểm trong giai đoạn 2024 - 2025 là lựa chọn 2 - 3 nhóm lĩnh vực (Máy tính và Công nghệ thông tin và 1 hoặc 2 lĩnh vực khác) và 5 cơ sở giáo dục ĐH uy tín cho mỗi lĩnh vực chủ trì triển khai Đề án. Giai đoạn 2026-2028 mở rộng cho các cơ sở giáo dục ĐH khác tham gia triển khai Đề án.
Hiện nay, có 5 trường tham gia thí điểm mô hình giáo dục ĐH số trong đào tạo nhân lực công nghệ số đang được xúc tiến triển khai, gồm ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, cho hay đến năm 2028, hệ thống giáo dục ĐH số chia sẻ, dùng chung được phát triển tương đối hoàn chỉnh, có đủ năng lực tự vận hành hiệu quả. Hệ thống cung cấp ít nhất 50 khóa học trực tuyến mở trong khoảng 50-60 chương trình đào tạo cấp bằng trình độ ĐH thuộc 2 - 3 lĩnh vực đào tạo. Có ít nhất 10 cơ sở giáo dục ĐH chủ trì cùng tham gia xây dựng học liệu số, cung cấp và sử dụng các khóa học trực tuyến mở trên Hệ thống. Có khoảng 20.000 - 25.000 sinh viên tham gia học trên Hệ thống.
Vụ Giáo dục ĐH đã đề xuất một số giải pháp để triển khai Đề án. Trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển Mô hình giáo dục ĐH số chia sẻ, dùng chung mà cụ thể là áp dụng cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục ĐH tham gia thí điểm, tăng tỉ trọng đào tạo trực tuyến; tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Xây dựng và ban hành văn bản để vận hành Hệ thống (tài chính, quy trình kỹ thuật, quy định đào tạo trực tuyến/ứng dụng CNTT, tiêu chuẩn chuyên môn/công nhận tín chỉ…).
Ngoài ra, chú trọng xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ giữa các cơ sở giáo dục ĐH; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật; xây dựng cơ chế đánh giá, khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH tham gia phát triển giáo dục ĐH số…
Các trường ĐH cho rằng áp dụng mô hình khóa học đại trà trực tuyến mở cho giáo dục ĐH số tại Việt Nam sẽ tận dụng tối đa nguồn lực từ các trường trong xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn hóa kiến thức, giảm chi phí, giảm áp lực hạ tầng, tăng quy mô tuyển sinh. Tuy vậy, có một số vấn đề cần thống nhất, như công nhận tín chỉ. Hiện nay việc công nhận tín chỉ của các trường rất hạn chế.
Thách thức
Góp ý về đề án, GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, đề xuất nên mở rộng mục tiêu và nội dung đề án ra những khía cạnh khác của chuyển đổi số giáo dục ĐH. Đề xuất Bộ GD&ĐT chủ trì phát triển một nền tảng cho quản trị, quản lý dùng cho các trường ĐH. Nền tảng này giúp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân lực đào tạo ở bậc ĐH…
PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TPHCM, nhận định, thách thức đầu tiên là hiện chưa có cơ chế, chính sách cho giáo dục ĐH số nên cần phải hoàn thiện chính sách cho mô hình này. Ông Phong kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có cơ chế, chính sách để các cơ sở giáo dục có thể cùng triển khai, không nhất thiết phải thí điểm tại một số cơ sở giáo dục ĐH. Vì nếu thí điểm một số đơn vị thì vô hình trung làm chậm vấn đề này. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nguồn học liệu chung để tiết kiệm nguồn lực, giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ vận hành hệ thống.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, đầu tiên của đề án giáo dục ĐH số là chất lượng học liệu. Sự chia sẻ nguồn học liệu trong hệ thống để sinh viên các trường ĐH có thể dùng chung sẽ làm tăng giá trị và tạo sự đột phá, tác động trở lại chất lượng giáo dục ĐH. Vì thế, hồn cốt giáo dục ĐH số khác với trường ĐH số, bởi trường ĐH số chỉ ở mức cơ sở, nhưng giáo dục ĐH số lại mang tính hệ thống.