LCĐT - Trong những năm gần đây, những hướng đi mới trong sản xuất chăn nuôi ở Lào Cai luôn được nhiều người dân tích cực tìm hiểu, học hỏi và mạnh dạn áp dụng. Năm 2007, mô hình nuôi nhím bắt đầu xuất hiện tại Lào Cai, thời điểm đó nhím là vật nuôi có giá trị cao, giá một cặp nhím giống tới cả vài chục triệu đồng. Nhưng chỉ sau đó ít lâu thị trường nhím giống chững lại, tiếp đó nhím giống biến thành nhím thương phẩm và giá ngày càng đi xuống.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến cuối tháng 10/2012, toàn tỉnh có 175 trại nuôi nhím với tổng số 914 con đăng ký, tập trung đông nhất ở huyện Bảo Thắng (56 hộ nuôi gồm 305 con), thành phố Lào Cai (20 hộ nuôi gồm 215 con). Trước tình hình chung, những trại nuôi nhím càng lo lắng hơn cho đầu ra của sản phẩm trong thời gian tới.

Nhím là loài động vật hoang dã nhưng dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, yêu cầu về chuồng trại không quá cầu kỳ, thức ăn cho nhím có thể tận dụng từ các phụ phẩm nông nghiệp, như cám, hoa quả, củ các loại. Loài nhím sinh trưởng nhanh, nhím nái mang thai trong vòng 3 tháng, mỗi lứa đẻ 2 hoặc 3 con, trọng lượng sau sinh tăng trung bình 1kg/tháng. Thịt nhím dành chế biến thành các món đặc sản, dạ dày nhím là dược liệu quý, thường dùng để chữa bệnh đau dạ dày…
Năm 2007, trên thị trường Lào Cai, nhím giống giá khoảng 14 triệu đồng/cặp có trọng lượng từ 5 - 10kg, thời điểm nhím giống cao nhất khoảng đầu 2010 với giá 16 triệu đồng/cặp. Hiệu quả kinh tế từ việc nuôi nhím giống thời gian đầu là rất cao nên có nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng trại nhím giống. Nhưng theo như quy luật tất yếu của thị trường, khi thực tế có nhiều hộ cung ứng thì cũng là lúc nhu cầu mua nhím giống bắt đầu giảm dần. Cung lớn hơn cầu khiến giá nhím giống tuột dốc nhanh, giá nhím giống tiệm cận với giá nhím thương phẩm (nhím thịt). Trong khi đó giá nhím thịt vốn đã rất thấp, từ 200 - 300.000 đồng/kg bởi nhu cầu sử dụng món "đặc sản nhím" chưa phổ biến. Thịt nhím các món có trong thực đơn của một số nhà hàng ở thành phố Lào Cai nhưng nhu cầu tiêu thụ rất hạn chế. Con "vật nuôi vàng" bỗng nhiên lỗi thời, khoản đầu tư lớn đã không sinh lợi như mong muốn. Nhím khó bán trong khi vẫn tiếp tục sinh sản nhanh, diện tích nuôi yêu cầu mở rộng, lượng thức ăn cung cấp hằng ngày nhiều nên khiến người nuôi nhím lao đao.
Điển hình là mô hình nuôi nhím giống của anh Chu Văn Quyết, trú tại tổ 54, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Sau khi thu hẹp diện tích, hiện gia đình anh Quyết vẫn còn 20 ô nuôi với 40 con nhím, trong đó có 15 đôi nhím sinh sản. Gia đình anh Quyết đầu tư nuôi nhím từ tháng 3/2008 với 25 đôi nhím giống có giá 14 triệu đồng/đôi, cộng với chi phí xây dựng chuồng trại, tổng vốn đầu tư lên đến 400 triệu đồng. Anh Quyết cho biết, năm 2009 anh bắt đầu bán nhím giống tại thị trường của tỉnh và tại Lai Châu với giá từ 16 - 18 triệu đồng/đôi. Nhưng chưa được bao lâu, đến cuối năm 2010 (thời điểm này anh Quyết nuôi nhiều nhím nhất có 100 con) giá nhím giống tụt dốc còn 10 - 12 triệu đồng/đôi, đến nay chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/đôi mà vẫn khó bán. Anh Quyết tâm sự: "Đầu tư nuôi nhím thua lỗ nặng, nhiều hộ đang lâm vào cảnh khó khăn vì nhím. Với gia đình tôi, đã làm lâu như vậy nhưng tiền bán nhím đến nay chưa đủ trang trải vốn đầu tư".
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì nguyên nhân là người dân nuôi nhím theo phong trào, nuôi ồ ạt khiến những nhà cung ứng giống đáo lợi, giá nhím giống ban đầu được đẩy lên quá cao. Đó là chưa kể tới việc người dân làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát mà không tính tới thị trường tiêu thụ và tìm đầu ra sản phẩm mang tính bền vững. Thực tế là giá nhím giống không bị đẩy lên cao thì với chi phí thức ăn, mức đầu tư chuồng trại thấp, nhím vẫn là vật nuôi sinh lợi lớn.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn không có thêm hộ dân đăng ký nuôi nhím. Điều đó chứng tỏ phong trào nuôi nhím ở Lào Cai đã lắng xuống, thực trạng nuôi nhím đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc phát triển vật nuôi "đặc sản", nói riêng và sản xuất nói chung một cách ồ ạt, thiếu định hướng. Cùng với đó, "giá giống ảo" sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.