Chợ hình thành từ lâu đời, là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa đầu tiên của con người. Chợ gắn bó với làng. Làng nào cũng có chợ. Trong sự hiện diện của làng quê đã có sự hiện diện của chợ.
Chợ quê có lúc họp ở một bãi đất trống, trên cầu, đường cái, bến đò, có lúc họp trong những lều quán lợp lá, lợp tranh, che chắn tạm bợ, siêu vẹo đủ để che cái chõng tre đựng một số hàng hóa tự sản tự tiêu,… Khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, mua bán của con người ngày càng nhiều, các mạng lưới chợ dần dần hình thành và phát triển.
Từ quê lên thành phố, đâu đâu cũng có chợ. Chợ được mở rộng, giãn nở, khang trang, hiện đại phù hợp với xu thế của xã hội. Nhưng, dù xã hội có đổi thay thế nào thì chợ quê vẫn lặng lẽ ghi dấu những thăng trầm, biến cố của con người và lịch sử.
Đã đi đến chợ thì hay mọi điều
Chợ quê hay còn gọi là chợ truyền thống, không gian “lộ thiên”, các mặt hàng gắn với nông nghiệp và thủ công nghiệp, tự cung tự cấp, chỉ tấp nập, đông đúc vào dịp chợ phiên hay những ngày lễ, tết.
Chợ được phân loại dựa vào nhiều yếu tố: Loại hình (chợ làng, chợ tổng, chợ huyện, chợ tỉnh), thời gian (chợ mai, chợ chiều, chợ phiên, chợ tết,…), địa lý (chợ miền núi, chợ miền biển, chợ đồng bằng,…), mặt hàng mua bán (chợ trái cây, chợ nông sản, chợ gia súc,…)…
Người tham gia chợ có thể đến từ nhiều làng khác. Nhờ tính chất động, mở của chợ mà tính khép kín, nội tại của làng dần dần được co giãn, cơi nới. Làng này liên kết với làng khác thông qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển, trao đổi của chợ.
Người đến chợ không chỉ trao đổi, luân chuyển, mua bán hàng hóa mà còn là dịp để ăn uống, chuyện trò, giao lưu, thăm hỏi nhau. Những câu chuyện, niềm vui, nỗi buồn dường như được trải ra mộc mạc, chân thành.
Nếu ai chưa một lần trong đời đến chợ thì đó là một thiếu sót lớn, là sự kém may mắn. Có thể nói, hiếm có không gian nào cởi mở, gần gũi, hiền hòa như chợ quê.
Xét trên cái nhìn tương hỗ, không gian chợ quê dù bình dị, mộc mạc nhưng lại có sứ mệnh to lớn, đó là không gian mở rộng thông tin, giao thương, hiện thực hóa mối quan hệ liên làng: Vui nhất là chợ Đồng Xuân/ Kẻ buôn, người bán xa gần thảnh thơi; Chợ Đồng vui vẻ ai ơi/ Sáu phiên một tháng đủ người gần xa.
Chợ còn được nhìn trong mối quan hệ đồng đại và lịch đại. Đến với mỗi chợ là đến với một tâm thế, cảm xúc khác nhau, vì các vùng miền đều có lệ riêng, đậm yếu tố tín ngưỡng, văn hóa và lịch sử.
Nhờ tính mềm dẻo, sinh động, khai mở của chợ mà những tập tục, tín ngưỡng, bản sắc của làng theo chân người đi chợ lan tỏa bốn phương. Như nhắc đến chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La), chợ tình Sapa (Lào Cai), không chỉ người Việt mà người nước ngoài đều biết và mong muốn tìm hiểu, khám phá.
Chợ tình Khâu Vai được xem là phiên chợ “phong lưu”, “ngoại tình” đặc biệt, bởi trong nó, ẩn chứa câu chuyện tình buồn mà đẹp và nhân văn. Nam nữ đến chợ tình Mộc Châu, chợ tình Sa Pa để hẹn hò, tìm hiểu, trao duyên giữa tiết trời dịu dàng, ấm áp, rực rỡ muôn vàn sắc hoa. Các phiên chợ tình này đều có đặc điểm riêng gắn với lề thói của vùng đất đó.
Chợ, vì thế, trong tâm thức của người Việt, là gương mặt, là bản sắc của mỗi làng quê. Thông qua chợ, khoảng cách về mặt địa lý như được rút ngắn lại, xa gần thân quen, xích lại gần nhau hơn, chứa đựng biết bao tình làng nghĩa xóm, tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng.
Ngay cả không có tiền trong tay nhưng người ta vẫn đến chợ vì niềm vui, sở thích. Nói chợ quê là chợ của tình cảm, của văn hóa, của tập tục là bởi thế!
Những cô hàng xén răng đen
Đi chợ, nếu bạn để ý một chút, sẽ thấy hầu hết những người buôn bán là phụ nữ. Nếu là đàn ông thì hàng hóa mà họ buôn bán cũng phải khác, thể hiện phần nào đó khí chất nam nhi.
Quan niệm này đã tạo nên sự chênh lệch trong thương mại và mặc định buôn bán ở chợ - đó là công việc tủn mủn, nhỏ nhặt, chạy ăn từng bữa, chỉ phù hợp với tính cách “eo sèo mặt nước buổi đò đông” của người phụ nữ mà thôi.
Thứ hai, cuộc đời của những người phụ nữ xưa thường gắn với căn bếp vì vai trò tộc trưởng, lo ăn uống cho cộng đồng. Sau này, ảnh hưởng đạo đức của Nho giáo, vai trò nữ công gia chánh, tề gia nội trợ càng được tham chiếu, mặc định vào phận số của người phụ nữ.
Họ mang gánh nặng kép, vừa chăm lo bếp núc vừa chạy chợ, trù liệu, cáng đáng cả gia đình. Cho nên, hình ảnh người phụ nữ xưa thường gắn với hình ảnh đôi quang gánh, quẩy khắp làng, bôn ba kiếm miếng cơm manh áo. Họ nghiễm nhiên trở thành lực lượng chủ chốt, là thành phần trung tâm nắm giữ linh hồn của chợ.
Có lẽ vì vậy mà chúng ta cũng không thể nào quên hình ảnh bà Tú lặn lội, gồng gánh lo toan (Thương vợ - Tú Xương); hình ảnh cô hàng xén thùy mị, tháo vát, giàu đức hi sinh trong truyện cùng tên - Cô hàng xén của Thạch Lam; hình ảnh cô hàng xén chăm chỉ, đảm đang buôn thúng bán mẹt trong Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.
Ngày trước, công việc buôn bán ở chợ thường xếp ở vị trí sau cùng (sĩ, nông, công, thương), bị gọi là “con buôn”, “đồ chợ búa”, thiếu sự tin cậy. Trong khi, công việc này lại có khả năng thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển mối quan hệ liên làng, mạng lưới chợ.
Nhìn rộng hơn, người phụ nữ chính là những người đã đặt nền móng cho sự phát triển của đô thị hôm nay. Nhưng dù có phân biệt thế nào đi chăng nữa, chúng ta không thể phủ nhận tính nữ đậm đặc trong không gian chợ quê, ở đó in dấu biết bao niềm vui nỗi buồn, mảnh đời chìm nổi của người phụ nữ. Những gánh hàng của các mẹ, các cô, các chị trở thành nét đẹp văn hóa, đong đầy hoài niệm, biểu trưng cho sự yên bình, giản dị của làng quê Việt.
Sự tồn tại dẻo dai của chợ quê cho đến hôm nay đã phần nào minh chứng đức tính cần cù, lam lũ của những người phụ nữ. Từ công việc chạy chợ mà họ trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu công, dung, ngôn, hạnh.
Năm nay chợ họp có đông không?
Chợ quê được xem là biểu tượng rõ nét nhất về văn hóa vùng miền. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0, khi mọi thứ đều được số hóa, chợ truyền thống cần có sự thích ứng, chiến lược phát triển để hội nhập với nền kinh tế mới.
Vì thân phận nhỏ lẻ, manh mún, đậm tính thổ nhưỡng của chợ quê khó cạnh tranh với tiêu chuẩn hiện đại, đa chức năng của cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại.
Mạng lưới thương mại truyền thống cần nỗ lực nhiều hơn, nếu không sẽ đứng ngoài mạng lưới kinh tế toàn cầu. Do đó, xu hướng, giải pháp gắn vốn tự có (văn hóa bản địa) của chợ quê với du lịch là một nhu cầu thiết yếu, cấp bách.
Chúng ta đã có nhiều chợ chuyển đổi mô hình kinh doanh, kết hợp với phát triển du lịch thu hút được nhiều du khách trong nước và nước ngoài như chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đông Ba (Huế), Chợ Bến Thành (TPHCM), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ Đà Lạt (Lâm Đồng),…
Thứ nữa, ngày lễ, tết, nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí, gặp gỡ, hội hè, khám phá,… của con người cao hơn so với ngày thường, nên, việc buôn bán các mặt hàng độc, biệt, và phối hợp các trò chơi dân gian, giải trí vào chợ quê là một chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần lan tỏa, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống và thu hút du lịch. Nghĩa là, chúng ta tận dụng và phát huy tính riêng biệt, đặc san văn hóa của chợ quê, điểm mà các chợ hiện đại không thể nào bì được.
Hiện tại, nước ta có nhiều phiên chợ tết vẫn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn du khách như: Chợ Đình Cả (Hải Dương), chợ Âm Dương (Bắc Ninh), chợ Chuộng (Thanh Hóa), chợ Yên, chợ Viềng (Nam Định), chợ Bích La (Quảng Trị), chợ Gia Lạc (Thừa Thiên - Huế), chợ Gò (Bình Định), chợ Mục Đồng (Vĩnh Phúc),… Đến với chợ tết, du khách sẽ có một không gian riêng, thực sự hòa vào niềm vui dân dã, gần gũi, đậm yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống.
Cái hay của việc đi chợ tết là người ta không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn đi để mua may bán rủi, cầu duyên, cầu tài lộc, đi như là một sự trải nghiệm văn hóa, đi để mua kí ức, người với người thân tình, hướng về cội nguồn, kiếm tìm dòng suối mát lành của tuổi thơ.
Tập tục mua lộc đầu năm ở chợ xuân Gia Lạc được lập ra dưới thời vua Minh Mạng, dù chỉ diễn ra trong 3 ngày tết nhưng đã bật lên nét cổ truyền, riêng biệt của xứ Huế. Chợ phiên còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò, kết tóc xe tơ: Chợ huyện một tháng sáu phiên/ Gặp cô hàng xén kết duyên châu trần. Trong thơ Nguyễn Khuyến, chợ phiên lại gợi bao nỗi niềm u uẩn về cuộc sống và con người làng Vị Hạ (Hà Nam): Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng/ Năm nay chợ họp có đông không?/ Dở trời, mưa bụi còn hơi rét/ Nếm rượu tường đền được mấy ông? (Chợ Đồng).
Chợ mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của làng quê. Bởi vậy, việc gắn hoạt động kinh doanh du lịch vào chợ mang đến nhiều lợi ích: Vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vừa giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đưa tết Việt gần hơn với người nước ngoài.
Đi chợ để hiểu mình, hiểu “người muôn năm cũ”, hiểu quê hương và hiểu dân tộc Việt. Nhưng số mệnh của chợ quê trước sự phát triển không ngưng nghỉ của đời sống luôn là một câu hỏi đầy thách thức. Làm sao để vị thế độc đáo của chợ quê vẫn là một mắt xích quan trọng xâu chuỗi và kết nối truyền thống với hiện đại, quá khứ với hiện tại? Cuộc chiến này cần có sự hỗ trợ, chung sức, đồng hành từ nhiều phía, nếu không, tương lai không xa, hình ảnh chợ quê và bề dày truyền thống sẽ bị xóa sổ.