LCĐT - Đến nay, tỉnh Lào Cai có 61/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 16 xã so với kế hoạch Trung ương giao, cao nhất khu vực miền núi phía Bắc. Số tiêu chí bình quân đạt 15,15 tiêu chí/xã, đặc biệt, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Lào Cai vinh dự là 1 trong 8 tỉnh tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của cả nước được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 2011 - 2020.
Huy động người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. |
Khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo so với mặt bằng chung của cả nước và có 3 huyện nghèo nhất cả nước. Trước nhiều khó khăn và thách thức, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. “Nguyên tắc “Nội dung nào dễ làm trước, khó làm sau; nội dung nào ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau; nơi nào được sự đồng thuận của Nhân dân làm trước, chưa đồng thuận làm sau; không đầu tư dàn trải các tiêu chí...” đã và đang huy động hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết.
Giai đoạn 2010 - 2020, tổng nguồn vốn huy động đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20.088 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương gần 1.953 tỷ đồng (chiếm 9,7%), ngân sách tỉnh 4.791 tỷ đồng (23,8%); vốn lồng ghép 10.639 tỷ đồng (52,9%); vốn tín dụng hơn 836,2 tỷ đồng (4,16%); vốn doanh nghiệp 630,5 tỷ đồng (3,13%), người dân đóng góp hơn 1.236 tỷ đồng (6,18%). Cơ cấu nguồn vốn cho thấy dù khó khăn về ngân sách, nhưng Lào Cai vẫn ưu tiên cân đối, bố trí nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.
Những năm gần đây, với nhiều cơ chế, chính sách mở, hạ tầng đô thị, giao thông được nâng cấp đã đưa Lào Cai trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển trong khu vực Tây Bắc. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2019, Lào Cai đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh, như hỗ trợ đầu tư xây dựng giao thông nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ làm nhà văn hóa khu dân cư…
Năm 2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21 về cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết số 12 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1076 về Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận và tổ chức công bố “Thôn kiểu mẫu, Thôn nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 4758 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định số 1715 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2020…
Các cơ chế, chính sách của tỉnh ban hành đã phát huy hiệu quả, tạo động lực khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Một số huyện, thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới. Thành phố Lào Cai hỗ trợ 600 nghìn đồng/vị trí lắp bóng compac đèn đường; 1,2 triệu đồng/vị trí lắp bóng cao áp; 120 triệu đồng/km đường bê tông xi măng chiều rộng 2 m. Huyện Bát Xát hỗ trợ xi măng, cát, sỏi làm đường liên gia, đường ngõ xóm, hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế (30 triệu đồng/mô hình); hỗ trợ trang - thiết bị nhà văn hóa thôn (10 triệu đồng/nhà); hỗ trợ bảng, biển tuyên truyền (3 triệu đồng/thôn)…
Ngay từ khi triển khai, tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp xây dựng đề án, chương trình hành động, ban hành chỉ thị, nghị quyết để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Các danh mục công trình, kế hoạch đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, do cộng đồng dân cư đề xuất, lựa chọn và người dân tự nguyện đóng góp, tham gia.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động đã tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân. Đa số đã chuyển từ thụ động, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước sang chủ động lựa chọn nội dung ưu tiên, đóng góp công sức và tích cực tham gia, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong Nhân dân và ngày càng có sức lan tỏa.
Trong 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân tham gia ủng hộ 1.236 tỷ đồng; trong đó, gần 90 tỷ đồng tiền mặt, hơn 392 ha đất, hơn 5 triệu ngày công lao động, làm mới 309 phòng học, xóa 1.118 nhà dột nát, mở mới, nâng cấp 121 km đường giao thông và đóng góp bằng hiện vật với trị giá hơn 74 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn...
Đổi thay ở xã vùng cao Nậm Xây, huyện Văn Bàn sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. |
Lào Cai đã xác định rõ định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở những địa bàn khó khăn; chủ động ban hành kế hoạch và chỉ đạo các huyện, xã huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp các xã trong vùng đề án sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được thực hiện đã tạo chuyển biến mạnh trong khu vực nông thôn, hạ tầng nông thôn phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, môi trường được cải thiện, an ninh, trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo; hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 93% thôn, bản có đường giao thông liên thôn; hệ thống thủy lợi đảm bảo nước tưới cho trên 92% diện tích; 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với 95,2% hộ ở nông thôn được sử dụng điện lưới; hơn 90% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ bản xóa nhà tạm cho hộ nghèo tại khu vực nông thôn; mỗi năm có hơn 11 nghìn lao động vùng nông thôn được đào tạo nghề; tỷ lệ giảm nghèo đạt bình quân trên 7%/năm…
Để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn và xây dựng nông thôn mới ở các xã chưa đạt chuẩn, cùng với xác định khâu đột phá, tỉnh Lào Cai coi công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm. Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí...