LCĐT - Thành tựu rõ nhất của nông nghiệp sau 30 năm tái lập tỉnh là sản xuất luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Trong thời kỳ mới, “sứ mệnh” của ngành nông nghiệp sẽ là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Niềm vui được mùa của nông dân vùng cao Lào Cai. |
Để nói về “sứ mệnh” đó, cần nhìn lại hành trình rất dài của ngành nông nghiệp trong suốt 30 năm qua. Sau khi tái lập tỉnh, sản xuất nông - lâm nghiệp Lào Cai đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Là tỉnh vùng cao mới được tái lập, bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị hạn chế; điều kiện tự nhiên, khí hậu, trình độ canh tác lạc hậu, manh mún, các xã vùng cao chủ yếu sản xuất tự cấp, tự túc. Hầu hết diện tích cây lương thực (lúa, ngô) được gieo cấy bằng các giống địa phương, năng suất thấp (trung bình đạt 3 tấn/ha); tỷ lệ đói nghèo tới 55% (theo tiêu chí cũ). Đây cũng là thời kỳ tình trạng du canh, du cư phổ biến ở một số đồng bào vùng cao làm cho diện tích rừng bị suy kiệt nhanh, nguy cơ sa mạc hóa ngày càng cao.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nhớ lại 20 năm trước, khi đang là cán bộ phụ trách thống kê sản lượng lương thực. Đó là những tháng ngày thống kê, quy đổi từ tam giác mạch, sắn, khoai… sang 1 đơn vị lương thực (tương đương với 1 kg thóc). Tính đi tính lại, cộng đủ loại lương thực trong 1 năm vẫn không đủ chỉ tiêu sản xuất đảm bảo nhu cầu sử dụng hằng năm. Những năm sau tái lập tỉnh, nhiều địa phương của Mường Khương thiếu lương thực, nhất là vào mùa giáp hạt.
Cũng theo ông Phạm Xuân Thịnh, sự thay đổi về sản lượng lương thực của huyện vùng cao Mường Khương không thể không nhắc đến “cuộc cách mạng” về giống. Giống mới, năng suất cao được thay thế những giống cũ đã tạo nên bước ngoặt trong sản xuất lương thực. Bên cạnh đó, việc khai hoang, thâm canh, tăng vụ, áp dụng phương pháp canh tác cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu lương thực cho người dân.
Trong suốt 30 năm tái lập tỉnh, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương vào điều kiện cụ thể tại địa phương, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân. Sản xuất nông nghiệp của Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu, rõ nhất là giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân trên 6%/năm; cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp, thủy sản.
Nông nghiệp đã góp phần giải quyết tốt vấn đề an ninh lương thực. Phong trào thâm canh, tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất được quan tâm, tạo bước đột phá trong nghiên cứu, lai tạo sản xuất được bộ giống lúa mang thương hiệu Lào Cai LC25, LC212, LC270 đáp ứng trên 60% nhu cầu giống lúa lai trên địa bàn tỉnh. Sản lượng lương thực tăng từ 114.454 tấn năm 1991 lên 341.790 tấn năm 2020 (tăng 227.336 tấn), sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt trên 458 kg/người/năm.
Sản xuất nông nghiệp đã hình thành được một số vùng hàng hóa tập trung, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn. Có thể kể đến một số vùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như chè, chuối, dứa tại Mường Khương; vùng trồng dâu, nuôi tằm tại Bảo Yên; vùng sản xuất các loại rau, quả ôn đới, cây dược liệu tại Bắc Hà, Sa Pa; vùng sản xuất quế và các loại cây lâm nghiệp tại Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bắc Hà… Tại các vùng sản xuất hàng hóa, người dân đã tham gia chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững.
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong giai đoạn này, việc đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã trở thành điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đã trở thành thế mạnh, có tiềm năng lớn tại Lào Cai.
Để đi tắt, đón đầu các công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ Hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020 với UBND tỉnh Lâm Đồng. Đây là bước đi quan trọng giúp đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho tỉnh Lào Cai, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, Organic…
Nhờ đó, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 3.000 ha, hơn 14.500 ha ứng dụng một phần công nghệ cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 9,02% tổng giá trị nông nghiệp toàn tỉnh. Công nghệ tự động hóa, bán tự động ứng dụng trên 157 ha, giá trị thu nhập trung bình đạt 260 triệu đồng/ha, cao hơn 2,8 lần so với canh tác truyền thống, đặc biệt như sản xuất hoa đạt 700 triệu đồng/ha, sản xuất rau đạt 300 triệu đồng/ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi lợn và gà an toàn sinh học góp phần tăng sản lượng thịt, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra. Tổng sản lượng thịt lợn hơi các loại năm 2020 đạt 60.000 tấn. Công nghệ cao còn được ứng dụng trong nuôi thủy sản nước lạnh cá tầm, cá hồi…
Nông dân xã Phú Nhuận thu hái chè. Ảnh: Hữu Huỳnh |
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong thời gian tới, Lào Cai tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu ngành nông nghiệp theo nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực, đủ tiêu chuẩn, đảm bảo vùng nguyên liệu cho chế biến, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phát triển nhóm sản phẩm đặc hữu địa phương, sản phẩm OCOP; cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản; liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, trong nước, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực chế biến nông sản; coi doanh nghiệp, hợp tác xã là đầu tàu, liên kết với các hộ nông dân để sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thế vững chắc, làm bệ đỡ cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Ngành nông nghiệp Lào Cai có chủ trương chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đặc hữu, bản địa như cá nước lạnh, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, rau trái vụ… để hình thành sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, canh tác hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.