Lớn lên cùng sự phát triển của tỉnh

LCĐT - Ngày 1/10/1991, một ngày lịch sử của Nhân dân Lào Cai và cũng là ngày hạnh phúc của nhiều gia đình khi có những đứa con chào đời. Tròn 30 năm những đứa trẻ sinh ra vào ngày đặc biệt ấy giờ đây đã là những thanh niên trưởng thành. Đó có thể là nhà giáo, bác sỹ, kỹ sư, công nhân, nông dân… nhưng dù làm việc gì, họ cũng nỗ lực trở thành những công dân có ích, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Lào Cai.

Cô giáo vùng cao dành tình yêu cho trẻ

10 năm gắn bó với nghề cô nuôi dạy trẻ, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường Mầm non Khánh Yên Hạ (Văn Bàn) vẫn miệt mài gieo chữ, chăm sóc tận tình các em nhỏ vùng cao. 20 tuổi, Hường tốt nghiệp trung cấp mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai và được phân công về Nậm Chày, xã khó khăn nhất huyện Văn Bàn công tác. 4 năm học gắn bó với Nậm Chày là bằng đó thời gian cô tận tình với học trò ở những điểm trường xa xôi nhất như Hỏm Trên, Khâm Dưới. Những con đường trơn trượt ngày mưa, không sóng điện thoại, không điện lưới quốc gia và thậm chí cả những lần trượt ngã lấm lem bùn đất đã không còn xa lạ với cô giáo trẻ. Cô giáo vùng cao vừa là cha mẹ, vừa là bạn của học sinh, những chuyến đi thôn đón học sinh đến lớp, vận động từng phụ huynh đưa con đến trường khiến cô càng yêu nghề, mến trẻ và nỗ lực vượt qua những khó khăn trong sự nghiệp “trồng người”.

Công tác được 1 năm, Hường lập gia đình, sau thời gian nghỉ chế độ, cô tiếp tục sự nghiệp dạy trẻ ở vùng cao. Con trai mới 4 tháng tuổi, cô đã địu con trên lưng cùng lên điểm trường. Con xa bố, vợ xa chồng, mỗi cuối tuần là thời gian cả gia đình đoàn tụ khi cô được chồng mang đồ ăn lên trường tiếp tế. Đường sá xa xôi, khó khăn, có những ngày mưa để lên trường với vợ con, chồng cô phải vác đồ đi bộ hơn 3 giờ đồng hồ, thế nhưng ước mong về một ngày gia đình được gần nhau đã giúp vợ chồng cô vượt qua mọi trở ngại.

Cô giáo Nguyễn Thị Hường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hường.

Công tác tại Nậm Chày 4 năm, cô giáo Hường chuyển về dạy tại Khánh Yên Hạ và tiếp tục gắn bó với trẻ em vùng cao khi trường mới nằm ở Nà Nheo, một điểm trường khó khăn của xã. Năm 2019, được chuyển về điểm trường trung tâm xã, những khó khăn đã qua khi cô được gần chồng, con, có thêm thời gian chăm sóc gia đình. 10 năm công tác tuy điều kiện làm việc gặp nhiều khó khăn, công tác ở những nơi xa xôi, còn nhiều thiếu thốn, thế nhưng sự động viên của gia đình và đặc biệt là tình yêu trẻ đã giúp Hường vượt qua mọi trở ngại. “Mẹ mình là cô giáo mầm non nên từ nhỏ mình đã thừa hưởng tính cách của mẹ, rất yêu mến trẻ. Tuy gặp nhiều khó khăn trong công tác nhưng đây là đặc thù nghề nghiệp, rất nhiều đồng nghiệp của mình hằng ngày vẫn cùng trải qua những khó khăn như vậy để những đứa trẻ vùng cao được tiếp cận với con chữ. Nhìn ánh mắt háo hức, hồn nhiên của trẻ mỗi ngày đến lớp, bao khó khăn, cực khổ mình đều thấy vơi đi, có động lực để cố gắng mỗi ngày”, Hường tâm sự.

Chàng trai năng động và hành trình khám phá bản thân

Từng là chàng trai nhút nhát và e dè trước đám đông, nhưng hiện làm quản lý phụ trách hình ảnh của Oppo Việt Nam thuộc 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, với Nguyễn Thanh Vương, đó là cả quá trình rèn luyện và khám phá bản thân.

Vương ngạc nhiên và thấy tự hào khi biết mình được sinh ra trong một ngày đặc biệt, đó là ngày tái lập tỉnh. Công việc của cậu khá bận rộn, thường xuyên di chuyển và phải đi công tác, vậy nên khoảng thời gian 2 giờ trò chuyện trở nên ý nghĩa khi tôi được tiếp xúc với một chàng trai đầy năng lượng.

Anh Nguyễn Thanh Vương.
Anh Nguyễn Thanh Vương.

Sinh ra và lớn lên ở Bảo Yên, sau khi tốt nghiệp THPT, Vương tiếp tục học chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp tại Đại học Thái Nguyên. Sau khi ra trường, bắt đầu với những tháng ngày tự lập, cậu đã từng tham gia thi công công trình ở các địa phương. 3 năm làm việc với đúng chuyên ngành học nhưng cũng là 3 năm xa quê hương, thôi thúc cậu tìm một việc làm mới để có cơ hội được gần gia đình và trở về Lào Cai. May mắn, cậu được tuyển dụng vào vị trí nhân viên sale của Oppo Việt Nam. Môi trường làm việc năng động, những đồng nghiệp trẻ trung đã thay đổi con người Vương, từ một người nhút nhát trở nên hòa đồng, sôi nổi và có bước tiến trong sự nghiệp.

Vương chia sẻ: Ngày xưa mình khá e dè trước đám đông. Mỗi khi công ty tổ chức giới thiệu sản phẩm hoặc các sự kiện, mình chỉ dám cầm micro đứng dưới sân khấu hỗ trợ người dẫn chương trình đọc thông tin sản phẩm. Tuy nhiên, trong một lần công ty tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng, gần đến giờ chương trình diễn ra mà người dẫn chương trình chưa đến và để chương trình không bị gián đoạn, mình bất đắc dĩ lên sân khấu “đóng thế”. Ban đầu mình rất run, nhưng sau khi chương trình kết thúc nhận được sự động viên của đồng nghiệp, sự hài lòng của khách hàng, mình thấy như khám phá được khả năng trong con người mình. Từ đó mình tự tin hơn, tham gia nhiều khóa đào tạo kỹ năng “mềm” của công ty giúp mình mạnh dạn, hòa đồng, năng động.

Giờ đây, rất nhiều chương trình của công ty tổ chức như sinh nhật, giới thiệu sản phẩm, tri ân khách hàng hoặc các hoạt động giao lưu với đối tác, Vương đều mạnh dạn đảm nhận vai trò người dẫn chương trình. Anh còn dẫn một số chương trình như giải đấu liên quân, game trực tuyến.

Đã từng có thời điểm Vương đảm nhận công việc phụ trách hình ảnh cho 5 tỉnh phía Bắc. Hằng tháng luôn phải dành nhiều thời gian đi các tỉnh công tác, sau một thời gian, Vương quyết định rút xuống phụ trách hình ảnh 3 tỉnh với hơn 200 cửa hàng để đảm bảo công việc được đạt kết quả tốt nhất. Mỗi năm, Oppo Việt Nam có 2 đợt chính cho ra đời sản phẩm mới. Đó là khoảng thời gian anh bận rộn nhất, một người quản lý hình ảnh sẽ phải lên ý tưởng quảng bá, in ấn quảng cáo, triển khai quy chuẩn hình ảnh và cuối cùng là đào tạo đội ngũ tại các khu vực về hình ảnh của sản phẩm mới. Sau những bận rộn đó, công việc đi vào ổn định, anh mới có thời gian cho riêng mình.

Vương chia sẻ thêm: Ưu điểm lớn nhất của tuổi trẻ chính là có thời gian để khám phá bản thân, thử thách chính mình. Các bạn trẻ nên mạnh dạn thử sức ở nhiều lĩnh vực để tìm kiếm công việc phù hợp và phát huy thế mạnh. Chúng ta nên suy nghĩ lạc quan và cố gắng vượt qua sức ép trong công việc để trưởng thành, không ngừng nỗ lực để phát triển bản thân.

Cán bộ lâm nghiệp yêu rừng

Phải mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được Phạm Văn Hiền, bởi nơi anh công tác cách trung tâm thành phố Lào Cai 80 km. Nước da ngăm vì dầm mưa dãi nắng đại ngàn Sàng Ma Sáo (Bát Xát), 5 năm công tác nơi rừng sâu núi thẳm đã tôi luyện cho Hiền sự rắn rỏi và đậm chất người vùng cao: Thân thiện, cởi mở và chất phác. Chính những đức tính ấy đã khiến câu chuyện của Hiền thêm cuốn hút chúng tôi.

Anh Phạm Văn Hiền.
Anh Phạm Văn Hiền.

Theo lời kể của Hiền, tháng 3/1991, bố mẹ từ Ý Yên (Nam Định) lên Lào Cai làm kinh tế và chọn Phong Hải (Bảo Thắng) làm nơi an cư, lạc nghiệp. Ngày 1/10/1991, gia đình vô cùng hạnh phúc chào đón thêm thành viên mới - đó chính là Hiền. “Trước em có hai chị gái, chắc bố mẹ muốn có “nối dõi” nên em may mắn có mặt trên cuộc đời này”, Hiền tâm sự.

Đến khi vào học trung học phổ thông, trong tiết học về lịch sử địa phương, qua bài giảng của cô giáo, Hiền được biết ngày 1/10/1991 là ngày tái lập tỉnh Lào Cai và Hiền luôn tự hào về ngày tháng năm sinh của mình, thậm chí cậu còn khoe với bạn bè. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Hiền thi đỗ vào Đại học Nông lâm Thái Nguyên, chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng. Sau khi ra trường, trong lúc chờ việc, Hiền đã thử sức với nhiều công việc, như chở gas, công nhân nhà máy chè để vừa có thu nhập, vừa tích lũy vốn sống. Thế rồi, tháng 7/2016, Hiền được tuyển dụng vào làm việc cho Dự án KWf8 với vị trí cán bộ kỹ thuật phụ trách xã Sàng Ma Sáo. Công việc của anh là tổ chức triển khai các nội dung của dự án tới người dân; lập kế hoạch sử dụng quỹ do dự án tài trợ; quản lý các tổ tuần tra rừng và trực tiếp tham gia tuần rừng. Công việc kể ra chỉ có vậy, nhưng bắt tay vào thực tế là cả “núi” việc, phải có lòng yêu nghề mới hoàn thành được. Với Hiền, 3 mục tiêu thiết thực được anh đưa ra, đó là: Công việc đạt hiệu quả cao nhất, người dân được hưởng lợi tối đa, rừng được bảo vệ tốt nhất. Chính vì vậy, anh luôn tham mưu cho lãnh đạo Ban Quản lý Dự án KWf8 huyện Bát Xát những giải pháp tối ưu trong công việc; hướng dẫn người dân lựa chọn các hạng mục sinh kế để triển khai cho phù hợp, hiệu quả.

Điều mà Hiền trăn trở là cuối năm nay dự án KWf8 sẽ kết thúc. Anh vẫn còn yêu rừng lắm, nhưng có lẽ anh phải rẽ ngang, làm nghề tay trái, đợi đến khi có nguồn lực, sẽ tiếp tục theo đuổi nghề lâm nghiệp mà anh yêu quý.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh

Điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh

Công ty cổ phần Minh Sơn là một trong những doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản tại tỉnh Lào Cai. Với 30 năm kinh nghiệm, đặc biệt là có thế mạnh trong xây dựng các công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới, công ty đã tạo dựng được vị thế vững chắc trong cộng đồng doanh nghiệp.

Đặt an toàn lao động lên hàng đầu

Đặt an toàn lao động lên hàng đầu

Từ các vụ tai nạn lao động liên tiếp gần đây, trong đó có các vụ đặc biệt nghiêm trọng, thêm một lần nữa khẳng định tính bức thiết của công tác bảo đảm an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Vinh danh hàng trăm sĩ tử tại chung kết toàn quốc "Trạng nguyên nhỏ tuổi"

Vinh danh hàng trăm sĩ tử tại chung kết toàn quốc "Trạng nguyên nhỏ tuổi"

Ngày 26/4, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội đã diễn ra chương trình ngày hội chung kết toàn quốc “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” lần thứ XXII và cuộc thi viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người” - Bảng vàng ghi danh lần thứ IV năm học 2023 - 2024, thu hút 346 sĩ tử đến từ 18 tỉnh thành và 161 trường học (128 trường TH và 33 trường THCS) trên toàn quốc tham dự.

Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1”

Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1”

Nhằm nâng cao chất lượng nền nếp học tập, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số, ngày 25/4, tại Trường Mầm non Cốc Mỳ (huyện Bát Xát), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát đã tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “Chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1”.

Những người trẻ hãy nhắc nhở bản thân trân trọng hòa bình

Những người trẻ hãy nhắc nhở bản thân trân trọng hòa bình

Chiều 26/4, sau 3 ngày hành quân và tổ chức hàng loạt hoạt động an sinh xã hội ở nhiều địa phương, 550 đại biểu thuộc các đoàn Hành trình “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã hội quân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Ngày hội việc làm - hướng nghiệp, phân luồng học sinh năm 2024

Ngày hội việc làm - hướng nghiệp, phân luồng học sinh năm 2024

Sáng 26/4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thành phố Lào Cai tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm, hướng nghiệp, phân luồng học sinh năm 2024 và ký kết hợp tác giữa Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) và Trung tâm GDNN-GDTX huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu).

3 thiếu nhi xuất sắc của Lào Cai tham dự Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V

3 thiếu nhi xuất sắc của Lào Cai tham dự Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Liên hoan “Chiến sĩ nhỏ Điện Biên” toàn quốc lần thứ V - năm 2024, với sự tham gia của 200 thiếu nhi, 64 tổng phụ trách Đội trên toàn quốc. Trong đó tỉnh Lào Cai vinh dự có 3 thiếu nhi tham dự liên hoan.

fb yt zl tw