LCĐT - Lào Cai tự hào là tỉnh tiên phong trong lĩnh vực chế biến sâu khoáng sản, chinh phục cả luyện kim màu và luyện kim đen, tiến tới chế biến sâu đa khoáng sản, cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ nhà máy luyện kim màu lớn nhất Đông Nam Á…
Với việc hoàn thành thăm dò trữ lượng công phu và bài bản, mỏ đồng Sin Quyền (Bát Xát) được xếp loại lớn nhất Đông Nam Á và đứng tốp đầu châu Á với trữ lượng trên 56 triệu tấn quặng, đã mở ra khát vọng chinh phục ngành luyện kim màu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là ngành công nghiệp chiến lược cấp quốc gia đòi hỏi công nghệ cao, vốn đầu tư quá lớn nên không thể thực hiện một sớm, một chiều.
Niềm mong mỏi đó của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý và Nhân dân Lào Cai đã thành hiện thực vào ngày 17/9/2003, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam - TKV khởi công xây dựng Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền với hai khu: Mỏ tuyển và nhà máy luyện đồng. Cho đến hiện tại, đây là dự án kim loại màu lớn nhất nước và lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là tổ hợp khép kín dây chuyền sản xuất từ khai thác, tuyển quặng tới luyện đồng.
Sản xuất ở Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai. |
Nhà máy Luyện đồng Lào Cai giai đoạn I có công suất 10 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2008. Nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại nhất của thế giới là phương pháp luyện bể thổi đáy (thủy khẩu sơn). Ưu điểm của công nghệ này là: Tinh quặng nạp vào nấu luyện không cần sấy, thiêu kết, tinh quặng ướt có thể trực tiếp cho vào lò; nấu luyện và một phần thổi luyện đều ở trong một lò, quá trình đơn giản, thao tác thuận tiện, năng suất cao, suất bụi khói thấp, điều kiện làm việc ở lò tốt, tổn hao cơ học thấp, lò hoạt động tự sinh nhiệt. Ngoài sản phẩm chính là đồng kim loại, nhà máy còn thu hồi các sản phẩm đi kèm như vàng, bạc và axít sunfuric.
Ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Luyện đồng Lào Cai cho biết: Nhờ sử dụng nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ tàn cực quay vòng; nâng cao thực thu trực tiếp tại công đoạn; giảm chi phí nấu luyện lại tàn cực như sử dụng rọ điện phân tàn cực, tấm dương cực không tai… đã nâng năng suất đồng cathode lên khoảng 39 tấn/ngày. Năm 2020, nhà máy đã sản xuất được hơn 13 nghìn tấn đồng kim loại tiêu chuẩn (đạt 99,95% Cu), bảo đảm nhu cầu vật liệu đồng trong nước, giảm chi phí nhập khẩu. Không những thế, khu tổ hợp này bảo đảm việc làm cho hơn 1.500 lao động, với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/tháng, đóng góp khoảng hơn 600 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước. Hiện tại, trình độ công nghệ của nhà máy được các chuyên gia ngành luyện kim thế giới và khu vực đánh giá tương đương mặt bằng chung các nước tiên tiến.
Hiện nay, Dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai lên 20 nghìn tấn đồng cathode/năm, nguồn vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng của TKV đã hoàn thiện và đưa vào sản xuất thử. Dự án sử dụng công nghệ luyện đồng tiên tiến, đồng bộ, bảo đảm yêu cầu cao về môi trường, nâng công suất luyện đồng từ 10 nghìn tấn lên 30 nghìn tấn đồng/năm thông qua việc xây dựng mới một dây chuyền luyện đồng công suất 20 nghìn tấn đồng cathode, 84.500 tấn axít, 1.395 kg vàng và 616 kg bạc thỏi/năm.
Tự hào khẳng định, Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền đã tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp luyện kim loại màu Việt Nam, đáp ứng 1/3 nhu cầu sản xuất trong nước, giảm mỗi năm từ 40 triệu USD nhập khẩu đồng kim loại.
… đến chinh phục luyện kim đen
Nhà máy Gang thép Lào Cai có tổng vốn đầu tư lên tới 337 triệu USD, nguồn vốn do các bên liên doanh góp, trong đó phía Việt Nam góp 55%. Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng và vận hành phân xưởng gang với công suất 500.000 tấn/năm và xưởng luyện phôi thép với công suất 500.000 tấn phôi/năm. Giai đoạn 2, xây dựng thêm dây chuyền cán thép công suất 500.000 tấn thép/năm, sau đó sẽ đầu tư nâng công suất lên trên 1 triệu tấn/năm. Nhà máy Gang thép Lào Cai sử dụng nguồn nguyên liệu chính là quặng sắt mỏ Quý Xa (Văn Bàn) có trữ lượng 120 triệu tấn và các mỏ sắt khác có trữ lượng thấp hơn nằm rải rác ở nhiều huyện, thành phố của tỉnh. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2021 với niềm tự hào là nhà máy sản xuất phôi thép từ quặng sắt lớn nhất Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu thép trong nước.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy Gang thép Lào Cai là niềm tự hào của ngành công nghiệp luyện kim đen Việt Nam. Là đơn vị công nghiệp chế biến khoáng sản sâu để gia tăng giá trị quặng sắt nguyên khai, cung cấp nguồn phôi thép chất lượng cho các nhà máy cán thép phục vụ xây dựng hạ tầng và phát triển công nghiệp nặng của đất nước, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Vượt qua nhiều khó khăn trong khâu vận hành cũng như những biến động bất lợi của thị trường thép trong nước giai đoạn 2014 - 2019, có lúc Nhà máy đã phải bán phôi thép dưới giá thành sản xuất. Từ đầu năm 2021 đến nay, cùng với sự thuận lợi của thị trường thép và nỗ lực của cán bộ, công nhân viên công ty, sản lượng phôi thép đạt 214 nghìn tấn, doanh thu đạt 2.932 tỷ đồng, cao hơn 60% cùng kỳ năm trước (1.831 tỷ đồng). Từ đó, hoàn thiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Khoáng sản và duy trì việc làm cho gần 1.400 lao động, ổn định kinh tế - xã hội địa phương.
Phân xưởng gang (Nhà máy Gang thép Lào Cai) với công suất 500.000 tấn/năm. |
Vươn tới chế biến sâu đa khoáng sản
Được thiên nhiên ưu đãi là vùng đất sở hữu 35 loại khoáng sản, có những loại trữ lượng lớn như apatit trữ lượng trên 2,5 tỷ tấn, đồng trên 100 triệu tấn, sắt trên 120 triệu tấn… xác định đây là tài nguyên quý của quốc gia, do đó phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm, chỉ đạo.
Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các dự án khai thác, chế biến sâu nguồn khoáng sản tại địa phương. Theo đó, đã có hàng loạt các dự án, nhà máy khai thác, chế biến sâu khoáng sản được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó tập trung nhiều nhất trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản (60 doanh nghiệp, chiếm khoảng 31,7%).
Ngành công nghiệp Lào Cai còn tự hào khi vươn xa trong chế biến sâu đa khoáng sản với nhiều sản phẩm quan trọng cho sự phát triển của chuỗi cung ứng công nghiệp quốc gia. Hiện toàn tỉnh có 12 đơn vị hoạt động sản xuất hóa chất, phân bón với công suất lớn gồm: Phốt pho vàng sản lượng 117,6 nghìn tấn/năm; phốt pho đỏ sản lượng 3.000 tấn/năm; axit sunfuric sản lượng 920 nghìn tấn/năm; axit photphoric sản lượng 282 nghìn tấn/năm; phân bón vô cơ các loại sản lượng 880 nghìn tấn/năm; phụ gia thức ăn gia súc sản lượng 100 nghìn tấn/năm…
Với sự nỗ lực, đột phá sau 30 năm tái lập, bức tranh công nghiệp Lào Cai đã vẽ lên sáng rõ. Đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 37.165 tỷ đồng, bằng 102,7% kế hoạch, tăng 12,9% so với năm 2019.
Cơ cấu nội ngành chuyển biến theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến. Công nghiệp khai thác chiếm 7,46%, giảm 1,98% so với 2019. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 71,2%, tăng 2,17% so với 2019.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Lào Cai tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy đầu tư và sớm đưa các dự án lớn hoạt động như: Nhà máy sản xuất cáp điện công nghệ cao công suất 60.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất gang 500.000 tấn năm; nhà máy cán thép 1.000.000 tấn/năm; Nhà máy phân NPK hóa học 50.000 tấn/năm; nhà máy DAP chất lượng cao 50.000 tấn/năm; Nhà máy axít photphoric điện tử 60.000 tấn/năm; nhà máy phụ gia thức ăn chăn nuôi gia cầm, cá 50.000 tấn/năm; đầu tư mới 1 nhà máy và mở rộng nâng công suất nhà máy sản xuất phốt pho đỏ hiện tại lên 10.000 tấn/năm...
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định cần tiếp tục duy trì phát triển công nghiệp đảm bảo là trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng hiệu quả và thân thiện với môi trường, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 tăng bình quân 12%/năm, sớm đưa Lào Cai trở thành trung tâm luyện kim, hóa chất của cả nước.