Những ngày này, trên cánh đồng thôn Đồng Tâm, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, nông dân đang tích cực thăm đồng, chăm sóc lúa. Đa số diện tích lúa tại thôn Đồng Tâm ở thời kỳ đẻ nhánh rộ, cần đảm bảo nước. Đợt mưa trong những ngày qua đã chấm dứt tình trạng hạn hán, người dân tranh thủ ra đồng bón thúc đạm, lân, ka-li, phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa.
Vụ mùa này, gia đình ông Lê Văn Vinh ở thôn Đồng Tâm cấy hơn 3 sào lúa. Đầu vụ, thời tiết ít mưa, mặc dù đã đầu tư máy bơm để dẫn nước về ruộng nhưng khu ruộng của gia đình ông Vinh vẫn thường xuyên khô nẻ khiến lúa cằn cỗi, kém phát triển. Đang lo sợ thiếu nước, bón thúc phân khó tan thì từ cuối tháng 7, thời tiết liên tục có mưa, các chân ruộng đầy ắp nước, cây lúa nhanh chóng hồi xanh, đẻ nhánh mạnh. Sau khi thực hiện bón thúc đợt 1, ông Vinh tiếp tục phun thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu cuốn lá nhỏ.
Ông Lê Văn Vinh chia sẻ: Có mưa, ruộng đủ nước, phân bón thúc đợt 1 được hòa tan, lúa nhanh chóng hồi xanh, đẻ nhánh mạnh. Mưa dông kèm theo sấm cũng mang đến một lượng đạm tự nhiên giúp lúa phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, mưa cũng khiến diện tích lúa phát sinh một số loại sâu bệnh hại nên chúng tôi thường xuyên phải thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ đồng loạt, kịp thời.
Năm nay, toàn tỉnh cấy hơn 23,3 nghìn héc ta lúa mùa (13 nghìn héc ta lúa mùa sớm vùng cao và hơn 10,3 nghìn héc ta lúa mùa vùng thấp). Theo nhận định của ngành nông nghiệp, từ nay đến cuối tháng 8, bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh, gây hại mạnh trên lúa một vụ vùng cao; sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm... sẽ phát sinh gây hại mạnh trên lúa vùng thấp. Với điều kiện thời tiết nắng, mưa xen kẽ như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát triển lây lan. Do đó, nông dân cần thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi để phát hiện và phòng trừ các loại sâu bệnh phát sinh trên lúa kịp thời.
Ngoài cây lúa, đợt mưa vừa diễn ra trên diện rộng cũng góp phần cứu cánh cho diện tích chè khô héo, giảm sản lượng do hạn hán kéo dài trên địa bàn tỉnh. Sau những trận mưa rải rác từ giai đoạn giữa tháng 7, đặc biệt là đợt mưa kéo dài cuối tháng 7, đầu tháng 8 đến nay, những đồi chè cháy lá, giảm sản lượng của xã Lùng Vai, huyện Mường Khương đã xanh trở lại. Tranh thủ thời tiết có mưa, người dân đã tăng cường bón phân để cây chè phát triển.
Bà Trương Thị Thu ở thôn Lùng Vai, xã Lùng Vai cho biết: Do hạn hán, 1/3 diện tích chè của gia đình mất trắng, 2/3 diện tích còn lại sản lượng búp giảm mạnh. Ngay khi thời tiết có mưa, tôi tranh thủ bổ sung phân bón giúp cây chè sớm hồi xanh, bật búp trở lại. Nhờ nước mưa, phân bón nhanh hòa tan, chỉ sau vài ngày, cây chè đã hấp thụ được, giảm tình trạng vàng, cháy lá, búp bật nhiều. Vùng chè như được hồi sinh nhờ những “cơn mưa vàng”. Cứ đà này, sản lượng chè cả năm sẽ không giảm nhiều so với những năm trước.
Nhiều diện tích cây trồng khác (chuối, dứa, cây ăn quả…) cũng đang được nông dân trong tỉnh tích cực chăm sóc, bổ sung phân bón để hồi phục sau thời gian dài nắng hạn. Anh Sùng Seo Ly ở thôn Tả Thền A, xã Thanh Bình (Mường Khương) cho biết, do nắng hạn, diện tích chuối của gia đình trồng đợt đầu năm phát triển chậm. May mắn từ giữa tháng 7 vừa qua, thời tiết có mưa, gia đình đã tranh thủ làm cỏ, bón thúc bổ sung phân bón cho cây. Vì vậy, vườn chuối của gia đình đã phát triển xanh tốt. Nếu không có mưa, vụ chuối năm nay sẽ rất khó để thành công.
Có thể thấy, đợt mưa kéo dài liên tục trong những ngày qua đã cung cấp đầy đủ nước tưới cho các loại cây trồng, làm tăng độ ẩm cho nước, giúp cây trồng hồi xanh sau những đợt nắng hạn. Mưa giông không chỉ góp phần đảm bảo nước tưới mà còn bổ sung lượng đạm tự nhiên giúp cây trồng xanh tốt. Đợt mưa vừa qua cũng bổ sung nguồn nước dự trữ cho các ao, hồ, đập thủy lợi trên địa bàn, góp phần đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để phát sinh của một số loại dịch hại trên cây trồng. Vì thế, người dân cần bám sát đồng ruộng, diện tích cây trồng để phát hiện và xử lý sớm sâu bệnh nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng cho cây trồng.