Những năm qua, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi tổng thể và toàn diện từ cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp. Tỉnh xác định đột phá chuyển đổi số để giải quyết những khó khăn, thách thức, đồng thời cũng tận dụng thời cơ, tiềm năng, lợi thế của chuyển đổi số để bứt phá vươn lên.
Đối với hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, xã. Đến nay, toàn tỉnh có 2.915 trạm thu phát sóng thông tin di động, trong đó có 766 trạm 2G, 835 trạm 3G, 1.309 trạm 4G và 5 trạm 5G; có gần 10.000 km cáp treo, 328 km cáp ngầm internet. Đối với các địa phương, hiện có 1.562/1.568 (khoảng 99,6%) trung tâm thôn, tổ dân phố có sóng truy nhập internet băng rộng di động; 1.512/1.568 (khoảng 96,4%) thôn có hạ tầng truy nhập internet băng rộng cố định; toàn tỉnh có 67% hộ sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối internet cáp quang. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 75%.
Những năm qua, hạ tầng viễn thông của Lào Cai đã được đầu tư đồng bộ, đảm bảo các điều kiện để người dân có thể tham gia “xã hội số”.
Ngoài hạ tầng viễn thông để tạo các điều kiện kết nối số, Lào Cai đang triển khai đồng bộ các ứng dụng dùng chung của tỉnh với 4 cấp kết nối từ Trung ương đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản thực hiện ký số, gửi nhận điện tử đạt 93% trên toàn tỉnh; tích hợp 1.655/1.655 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; là 1 trong 17 tỉnh, thành phố đứng đầu có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến từ 50% trở lên. 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Lào Cai là 1 trong 23 địa phương đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến... Lào Cai cũng đang triển khai thực hiện và thí điểm một số nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số như cổng du lịch thông minh, cửa khẩu số, phản ánh hiện trường, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp...
Mạng truyền số liệu chuyên dùng trên địa bàn tỉnh đã triển khai tại các điểm kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để sử dụng các dịch vụ dùng chung thiết yếu trong các cơ quan nhà nước như kết nối chia sẻ dữ liệu - LGSP; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; dịch vụ hành chính công; cổng thông tin điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.
Tuy nhiên, với đặc thù về địa lý, việc đầu tư cho hạ tầng số của Lào Cai vẫn còn một số hạn chế. Toàn tỉnh vẫn còn 6 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng di động, 56 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng cáp quang. Các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của chính quyền đã được đầu tư từ lâu, cần nâng cấp phù hợp với thực tế. Ngoài ra, các sản phẩm chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn nhân lực về chuyển đổi số còn thiếu và yếu.
Theo ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thì việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ kinh tế số và xã hội số cũng như việc phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ cập internet cáp quang băng rộng tốc độ cao tới mỗi hộ, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp luôn được tỉnh Lào Cai quan tâm. Trong đó, tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với các tập đoàn lớn về viễn thông và công nghệ thông tin để tranh thủ mọi nguồn lực triển khai.
Để tạo đột phá về hạ tầng số, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện phủ sóng mạng di động tại 6 thôn còn lại, đảm bảo 100% thôn có sóng mạng di động. Phấn đấu đến hết năm 2024 có ít nhất 28/56 thôn còn lại (50%) được đầu tư hạ tầng cáp quang internet. Phát triển đồng bộ hạ tầng trong các cơ quan nhà nước: Triển khai trung tâm dữ liệu tỉnh; hoàn thiện hạ tầng cấp huyện, cấp xã; đầu tư hạ tầng các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện.
Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Sở tiếp tục xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, trong đó chuẩn hóa CSDL của các ngành, địa phương; xác định các ứng dụng dùng chung, mang tính nền tảng phục vụ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trên môi trường số. Đồng thời, triển khai các ứng dụng công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực, trong đó trọng tâm là y tế, giáo dục; hoàn thiện nền tảng cửa khẩu số, nghiên cứu triển khai cửa khẩu thông minh, triển khai một số nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp...