![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu.](https://cdn.baolaocai.vn/images/143503276ab88d52cd8f7a57440e05499478892177892784ff64642be19495f689f8a11f8d41914376a4eba0bef891bf/quochoi1.jpg)
Phát biểu tại buổi họp tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đến nay, Quốc hội đã tháo gỡ hầu hết các khó khăn như sửa đổi Luật Đầu tư công, ban hành 1 luật sửa 4 luật về đầu tư, 1 luật sửa 9 luật về tài chính..., phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Chính phủ, các địa phương.
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 cũng tập trung tháo gỡ một số cơ chế, chính sách. Do vậy, nếu Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư để triển khai sớm các quyết sách của Quốc hội, sẽ là tiền đề để huy động tối đa nguồn lực phát triển đất nước, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để triển khai thực hiện Đề án, cần sự tập trung ở cả Trung ương và địa phương. Quốc hội xem xét, ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) phân cấp mạnh cho Chính phủ, địa phương trong ban hành các chính sách, Quốc hội chỉ ban hành luật khung, Chính phủ ban hành nghị định, Bộ ban hành thông tư...
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta phải mạnh dạn trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó, thủ tục đầu tư phải thông thoáng, cởi mở.
Muốn phát triển kinh tế sâu rộng, bền vững, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ không nên đặt mục tiêu thu ngân sách ngắn hạn mà, phải nhìn mục tiêu dài hạn hơn.
Chủ tịch Quốc hội nêu, cần quan tâm bồi dưỡng nguồn thu, thu đúng, thu đủ để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người dân đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Khi điều kiện, cơ chế thông thoáng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân đầu tư…
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cho rằng, Quốc hội cũng đang xem xét, thông qua các Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thì các cấp quản lý phải chủ động ứng phó, thích ứng với tình hình, xử lý công việc theo thẩm quyền. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ hiệu quả các động lực tăng trưởng về xuất khẩu, đầu tư tiêu dùng trong nước gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và cần phải phân tích cơ cấu, biến động của các yếu tố tăng trưởng GDP các năm qua để xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm. Từ đó điều hành phù hợp với bối cảnh, hoàn cảnh của từng cơ quan, từng đơn vị, từng địa phương.