Thời gian qua nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế tự nhiên, hình thành sản phẩm du lịch mạo hiểm đặc thù hấp dẫn, bước đầu trở thành thương hiệu du lịch của địa phương và được quốc tế công nhận. Tháng 8 vừa qua, trang du lịch danh tiếng TripAdvisors đã công bố tour vượt thác Canyoning Dalat và tour tham quan 3 thác nước trong danh sách những Giải thưởng “Best of the Best của Travellers' Choice 2024” - ở lĩnh vực các hoạt động du lịch thiên nhiên và ngoài trời, giúp du lịch thể thao mạo hiểm của Đà Lạt thêm toả sáng.
Hình ảnh những người đam mê chinh phục tự nhiên trèo xuống những thác nước hùng vĩ, đu dây qua những vách đá hiểm trở, hòa mình vào không gian xanh mát của rừng nguyên sinh chắc chắn sẽ khiến bất kỳ ai cũng muốn một lần trải nghiệm. Đặc biệt, tour còn kết hợp với các hoạt động khám phá văn hóa bản địa, như tìm hiểu về các loại cây thuốc, ẩm thực truyền thống…
Với địa hình đa dạng và hiểm trở, Lai Châu thời gian qua cũng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách ưa thích thể thao mạo hiểm, chinh phục thiên nhiên. Những người ưa thích khám phá vô cùng thú vị khi được tham gia vào các tour du lịch vừa có thể trải nghiệm vừa được rèn luyện, thỏa mãn đam mê, trải tầm mắt trước phong cảnh hùng vĩ nơi “ven trời Tây Bắc”.
Vùng Đông - Tây Bắc có rất nhiều sản phẩm được khai thác như Chinh phục đỉnh Fansipan (Lào Cai), Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu), đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), thác Bản Giốc (Cao Bằng), khám phá hang động ở Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Ở miền Trung, du lịch mạo hiểm nổi bật với các sản phẩm khám phá hang động ở Quảng Bình, chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng (tỉnh Nghệ An)...
Nhận định về điểm ưu việt của du lịch mạo hiểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch mạo hiểm được ưa chuộng trên thế giới, mang lại lợi nhuận lớn. Tại Việt Nam, du lịch mạo hiểm đang góp phần tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch. Rất nhiều tour được du khách trong và ngoài nước săn đón.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Giám đốc Công ty lữ hành S-Travel Nguyễn Hồng Thắng cho biết, phần lớn những rủi ro của du khách khi tham gia du lịch mạo hiểm là do đi theo hình thức tự phát. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị du lịch không đủ năng lực tổ chức, hướng dẫn viên thiếu kinh nghiệm cũng khiến du khách gặp nguy hiểm.
“Vì vậy, các đơn vị kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm chuyên nghiệp phải luôn có những khóa đào tạo, hướng dẫn du khách tập luyện trước khi tham gia. Bên cạnh đó, các đơn vị cần có đội ngũ chăm sóc, dẫn đường, hỗ trợ du khách, làm cho du khách cảm thấy an toàn trước khi chinh phục các điểm đến” - ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty lữ hành Pu Lai Châu Hoàng Quốc Việt cho rằng, ngoài việc kiểm tra sức khỏe và tập huấn kỹ năng cho du khách, doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour còn phải thường xuyên tổ chức lớp tập huấn cho hướng dẫn viên, người dẫn đoàn (porter) kỹ năng xử lý chấn thương, ổn định tâm lý cho khách. “Khâu tổ chức thường được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt. Đồng thời, các đơn vị khai thác tour luôn có bảo hiểm cho khách, tuân thủ nghiêm quy định quản lý về vệ sinh, môi trường của địa phương”- ông Việt chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng, để du lịch mạo hiểm trở nên chuyên nghiệp, cơ quan quản lý cần ban hành các quy định pháp lý chung về du lịch mạo hiểm. Chính quyền địa phương cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, đồng thời ban hành những quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ, có quy định riêng với những đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm và cả những quy định dành cho du khách.
Có thể nói, du lịch mạo hiểm có tiềm năng thị trường khá lớn với nhiều nhu cầu đa dạng. Tuy nhiên, để phát triển loại hình này một cách bền vững và chuyên nghiệp, không thể làm tràn lan mà cần tập trung khai thác lợi thế từ tài nguyên du lịch và nét đặc trưng văn hóa của địa phương. Quan trọng nhất, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách trong mọi hoàn cảnh.
Theo Cục Du lịch quốc gia, dịp lễ 2/9, ngành du lịch cả nước ước tính phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM là 4 địa phương có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng từ du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9. Trong đó, TPHCM là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lượng khách và doanh thu, khi đón gần 1 triệu lượt khách trong 4 ngày, thu về gần 3.000 tỷ đồng. Một con số cũng ấn tượng không kém đến từ Thủ đô Hà Nội với doanh thu 2.180 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.