Người dân giải nhiệt tại một đài phun nước ở Algiers, Algeria ngày 10/7 vừa qua.
Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (UNECA) cảnh báo dù phát thải khí nhà kính của châu Phi chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng phát thải toàn cầu, song châu lục này đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu, đe dọa phát triển kinh tế-xã hội của châu lục.
Số liệu từ UNECA cho thấy trong số 20 quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa nhiều nhất, có tới 17 quốc gia ở châu Phi. Biến đổi khí hậu cũng đã tác động đến 2-9% ngân sách quốc gia trên khắp châu lục này.
Trong tuyên bố ngày 2/11, UNECA nêu rõ vì những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, các nước châu Phi đã phải tăng mức sử dụng tài chính công cho các nỗ lực giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ người dân. Điều này đã tước đi nguồn lực cần thiết để tài trợ cho phát triển, bảo vệ những thành quả phát triển và thực hiện Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).
Theo UNECA, những hạn chế liên quan đến biến đổi khí hậu cho thấy nhu cầu cấp thiết của châu Phi trong việc phát triển các mô hình tăng trưởng mới, có khả năng bảo tồn và nâng cao phúc lợi cho người dân trong khi thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần làm chậm lại tình trạng này.
Tuyên bố trên được đưa ra trong khuôn khổ cuộc họp do Văn phòng UNECA tại Bắc và Tây Phi tổ chức với chủ đề "Chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực ở Bắc và Tây Phi," diễn ra ở thủ đô Accra của Ghana.
Cuộc họp quy tụ sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đại diện từ 22 quốc gia Bắc và Tây Phi. Trong khuôn khổ cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề quan trọng, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu và ý nghĩa đối với các chiến lược phát triển kinh tế và xã hội, cũng như các thách thức về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò then chốt của năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Ngone Diop, Giám đốc Văn phòng UNECA tại Tây Phi, cho biết: “Tình trạng mất an ninh lương thực là một thách thức mang tính cơ cấu ở châu Phi, ảnh hưởng đến 20% dân số của lục địa này so với tỷ lệ 9,8% toàn cầu."
Bà Diop nhấn mạnh cần tăng năng suất nông nghiệp, huy động nhiều nguồn lực trong nước hơn và đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do châu Phi, vốn đóng vai trò là nền tảng để giảm nghèo và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu tại lục địa này.