
Ủy ban châu Âu đang phối hợp cùng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) để tìm phương án bù đắp khoản thâm hụt ngân sách của Ukraine trong năm 2026, ước tính dao động từ 8 đến 19 tỷ USD.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, từ đầu năm đến nay, các đối tác quốc tế đã viện trợ hơn 39 tỷ USD để duy trì nền kinh tế thời chiến của nước này. Tuy nhiên, theo Financial Times, lỗ hổng ngân sách hiện tại chủ yếu bắt nguồn từ việc Mỹ giảm hỗ trợ và triển vọng đạt thỏa thuận ngừng bắn với Nga trong tương lai gần ngày càng mờ nhạt, điều mà các nước châu Âu từng kỳ vọng.
Một quan chức cấp cao EU chia sẻ rằng nhiều nhà tài trợ từng đặt niềm tin vào khả năng đạt được hòa bình trong năm 2025, nhưng nay buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch tài chính.
Ủy ban châu Âu hiện cũng đang rà soát và điều chỉnh cách sử dụng các khoản viện trợ liên quan đến Ukraine.
Theo tính toán, nếu không có sự hậu thuẫn từ phương Tây, Kiev có thể đối mặt với mức thâm hụt ngân sách lên tới 19 tỷ USD trong năm 2026. Ngay cả trong kịch bản khả quan hơn, khi nhận được thêm viện trợ quốc tế, Ukraine vẫn còn thiếu hụt ít nhất 8 tỷ USD.
Một trong những giải pháp đang được châu Âu xem xét là cung cấp viện trợ quân sự dưới dạng tài trợ ngoài ngân sách, các khoản chuyển giao tài chính sẽ được ghi nhận riêng biệt, song vẫn được tính vào mục tiêu chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên NATO.
Một nhà ngoại giao EU cho biết hỗ trợ quân sự cho Ukraine hiện được xem là cách gián tiếp để bảo vệ an ninh chung của toàn châu Âu.
Trong tài liệu gửi tới các nước G7, Kiev đề xuất các đồng minh châu Âu cùng chia sẻ chi phí duy trì lực lượng quốc phòng Ukraine, coi đó như dịch vụ đảm bảo an ninh của cả lục địa.
Ngoài ra, các phương án khác cũng đang được cân nhắc, bao gồm đẩy nhanh tiến độ giải ngân từ gói vay trị giá 50 tỷ USD do G7 cung cấp, hoặc tái đầu tư tài sản bị đóng băng của Nga vào các công cụ tài chính sinh lời cao hơn để hỗ trợ Ukraine thanh toán nợ.
Hai nguồn tin cho biết Ủy ban châu Âu đã lên kế hoạch thảo luận những đề xuất trên với các bộ trưởng tài chính EU vào ngày 8/7. Vấn đề này cũng sẽ được đưa ra tại Hội nghị Phục hồi Ukraine diễn ra ở Rome trong hai ngày 10-11/7, với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.