Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Năm 2020, trên thế giới có khoảng 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,1% tổng dân số. Theo UNFPA, các khu vực trên thế giới đều sẽ ghi nhận sự gia tăng về số lượng và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân cư. UNFPA nhấn mạnh rằng, các khu vực kém phát triển hơn sẽ chứng kiến tỷ lệ dân số cao tuổi tăng cao hơn một chút so với các khu vực khác.
Năm 2019, số người cao tuổi ở khu vực ASEAN là trên 45 triệu người, trong đó số người trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số khu vực ASEAN. Đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ đạt mức 132 triệu người, chiếm 16,7% tổng dân số khu vực ASEAN.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Năm 2020, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên mức 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển cần đến hơn một hoặc một thập kỷ để nâng số dân trên 65 tuổi từ 7% lên 14% như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Australia (73 năm), Hoa Kỳ (69 năm), Canada (65 năm), Vương quốc Anh (45 năm) thì Việt Nam sẽ chỉ phải mất 18 năm để đạt được điều này.