Si Ma Cai: Loay hoay vì thiếu giáo viên

Đến thời điểm này, ngành giáo dục và đào tạo huyện Si Ma Cai đang thiếu 142 biên chế giáo viên, nhân viên trường học so với biên chế được giao. Một số môn học thiếu giáo viên trầm trọng, như Tiếng Anh, Tin học… khiến nhiều trường học trên địa bàn huyện chật vật với việc tổ chức dạy và học.

z4790381481381_603234439524540639a0e37664b2458a.jpg
Tiết học Tiếng Anh ở Trường THCS thị trấn Si Ma Cai có tới 80 học sinh/lớp.

Chứng kiến một tiết học Tiếng Anh ở Trường THCS thị trấn Si Ma Cai chúng tôi không khỏi bất ngờ khi một lớp học có tới 80 học sinh. Có lẽ, do số học sinh quá đông nên sự tập trung của các em cũng không được tốt, khiến việc quản lý lớp học của thầy giáo thêm vất vả.

Qua tìm hiểu được biết, Trường THCS thị trấn Si Ma Cai có 16 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên Tiếng Anh, nhà trường phải làm việc cực chẳng đã, đó là mỗi tiết Tiếng Anh sẽ ghép hai lớp thành một. Mặc dù giảm được số tiết nhưng số học sinh tăng cao, ít cũng có tới 60 học sinh, còn nhiều nhất lên đến 80 học sinh/tiết học.

Dù đã thực hiện ghép lớp cơ học nhưng số tiết dạy chính khóa của thầy Lê Tiến Mạnh, giáo viên Tiếng Anh vẫn vượt quá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa kể thời gian dạy ôn luyện học sinh giỏi và ôn thi vào trung học phổ thông cho học sinh lớp 9 vào một số buổi chiều. Thành thử, thầy giáo dạy Tiếng Anh duy nhất của trường, hầu như buổi học chính khóa nào cũng “ra rả” 5 tiết, trừ thứ 6 bởi có tiết sinh hoạt lớp. Chính vì điều này mà nhà trường rất lo thầy Mạnh ốm đau, hoặc phải tham gia tập huấn chuyên môn ngoài tỉnh, bởi khi đó sẽ không có giáo viên dạy Tiếng Anh. Câu chuyện tưởng như đùa nhưng đó là thực tế diễn ra ở Trường THCS thị trấn Si Ma Cai.

Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở Trường THCS thị trấn Si Ma Cai mà nhiều trường trên địa bàn huyện cũng đang trong hoàn cảnh như vậy. Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, tính đến 1/10/2023, tổng biên chế được giao là 1.196, tổng biên chế thực hiện là 1.054, còn thiếu 142 biên chế. Một số trường học thiếu rất nhiều giáo viên theo biên chế được giao, như Trường THCS Cán Cấu thiếu 10 biên chế, Trường THCS Sín Chéng thiếu 12 biên chế, Trường Tiểu học Bản Mế thiếu 7 biên chế… Xét theo bộ môn, không chỉ thiếu giáo viên mà một số trường học không có giáo viên Tiếng Anh và Tin học, như Trường THCS Cán Cấu, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS số 2 Quan Hồ Thẩn, Trường Tiểu học Cán Cấu (không có giáo viên Tiếng Anh), Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Lùng Thẩn, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sán Chải, Trường Tiểu học Bản Mế, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Thào Chư Phìn, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS số 2 Quan Hồ Thẩn… (không có giáo viên Tin học).

z4790656697012_293373e7eecc0ed360c51373a67dc466.jpg
Việc dạy ghép lớp khiến chất lượng bị ảnh hưởng.

Nghịch lý ở Si Ma Cai đang diễn ra, đó là trong khi khó tuyển dụng mới được giáo viên thì nhiều giáo viên đang công tác lại xin chuyển vùng, xin thôi việc. Từ tháng 7/2023 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo huyện Si Ma Cai phải “chia tay” 44 giáo viên (trong biên chế) do chuyển vùng và xin thôi việc, dẫn đến thiếu lại càng thiếu.

Nguyên nhân được xác định là do địa bàn huyện Si Ma Cai xa xôi và khó khăn, cách trung tâm thành phố Lào Cai tới 100 km, trong khi đó, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành xã vùng 1 đã khiến lương của giáo viên giảm mạnh. Nếu giáo viên có trình độ đại học, mới ra trường, với hệ số lương 2,34, công tác tại xã khu vực I, thì tổng lương là 7.578.000 đồng, thấp hơn gần 4 triệu đồng so với xã khu vực III (trừ 10,5% bảo hiểm thì chỉ còn hơn 7,1 triệu đồng), còn giáo viên mầm non trình độ cao đẳng thì tiền lương chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, không đủ chi phí thuê nhà, xăng xe, sinh hoạt…

Theo Luật Giáo dục 2019, từ năm 2021, điều kiện tuyển dụng đối với giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải có trình độ đại học. Qua rà soát, số lượng con em các dân tộc trong huyện đi học sư phạm tương đối nhiều nhưng trình độ không đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục 2019, dẫn đến nguồn tuyển đã “khan” lại càng khó.

Thiếu giáo viên đã khiến nhiều học trên địa bàn huyện Si Ma Cai phải loay hoay để tìm giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên tất cả chỉ là giải pháp tình thế. Ông Phạm Văn Tiếp, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết: Chúng tôi đã tháo gỡ bằng tất cả những giải pháp có thể để “cân đối” giáo viên cho các trường, như tăng cường giáo viên theo chế độ hợp đồng thỉnh giảng; phân công giáo viên chưa dạy hết định mức sang hỗ trợ các trường thiếu nhân lực (đã tăng cường được 38 giáo viên các môn Toán, Tin học, Tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc, Địa lý, Vật lý, Văn…); thực hiện ghép lớp (áp dụng đối với Tiếng Anh); tham mưu cho UBND huyện hợp đồng bổ sung giáo viên; dạy trực tuyến, lớp học kết nối (liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, các trường trong và ngoài huyện). Tuy nhiên, các giải pháp này mới giải quyết được phần nào, bởi vấn đề mấu chốt chính là thu nhập của giáo viên.

Được biết, trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai đã đề xuất, đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung đối tượng “Nhà giáo công tác tại các trường học thuộc xã khu vực I (xã đã hoàn thành nông thôn mới) thuộc huyện nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi” tiếp tục được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp lâu năm, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng theo Nghị định 76/2019/NĐ -CP ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo phân tích của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai, hiện nay nhiều nhà giáo đang công tác tại xã khu vực I thuộc huyện nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi có mức lương rất thấp (ví dụ 1 giáo viên mầm non mới được tuyển dụng có mức lương là 4,5 triệu đồng/tháng). Với mức lương như vậy, trong khi địa bàn huyện lại xa xôi, giao thông khó khăn, thời tiết khắc nghiệt… sẽ không đảm bảo được cuộc sống, đồng thời rất khó thu hút giáo viên đến công tác và yên tâm gắn bó với địa phương.

Rõ ràng, bài toán về thu nhập cho giáo viên chưa giải được, chắc chắn ngành giáo dục và đào tạo huyện Si Ma Cai sẽ còn phải đau đầu, loay hoay với tình trạng thiếu giáo viên.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

fbytzltw