Ông Đặng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét cho biết: Lợi ích từ trồng quế hữu cơ đã được khẳng định. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế quế. Cùng với đó, xã tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng với người dân xây dựng vùng sản xuất quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét (xã Nậm Đét) được thành lập năm 2018 với 6 thành viên chính thức và hơn 150 hộ nông dân ký kết tham gia. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã thu mua khoảng 800 tấn quế tươi để sản xuất 12 sản phẩm quế như quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế… xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Ông Triệu Phúc Vầy, Giám đốc hợp tác xã cho biết: "Chúng tôi chủ yếu sản xuất quế hữu cơ vì giá bán cao hơn khoảng 20 - 30% so với sản phẩm quế thông thường và có thị trường tiêu thụ ổn định".
Tại huyện Bảo Yên, những năm qua, sự phát triển của chuỗi giá trị ngành hàng quế đã giúp nhiều hộ có thu nhập cao và ổn định. Huyện hiện có hơn 25.000 ha quế, giá trị ước đạt 1.000 tỷ đồng/năm. Hiện trên địa bàn có 7 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, trong đó có 6 đơn vị sản xuất, chế biến tinh dầu (chủ yếu ở dạng thô, trong đó 1 đơn vị có dây chuyền chế biến tinh dầu tinh là Công ty TNHH MTV Triều Dương) và 1 đơn vị chế biến vỏ quế (Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Cầu Mây). Mới đây, huyện đã thu hút thêm 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ quế với quy mô lớn.
Để nâng cao hơn nữa giá trị và thương hiệu cho sản phẩm quế của địa phương, huyện xây dựng kế hoạch sản xuất quế theo tiêu chuẩn hữu cơ, mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng 1.000 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Hiện nay, tỉnh đã hình thành vùng nguyên liệu quế hơn 56.000 ha, trung bình mỗi năm thu 5.100 tấn vỏ khô, 51.000 tấn cành lá, 350 - 400 tấn tinh dầu. Tuy nhiên, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ mới đạt hơn 3.600 ha, chiếm hơn 7% tổng diện tích. Việc phát triển cây quế thời gian trước chỉ tập trung mở rộng diện tích, chưa chú trọng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật để nâng cao giá trị ngành hàng. Do vậy, sản phẩm vỏ quế chủ yếu là sơ chế để xuất thô sang các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc với giá trị kinh tế không cao.
Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” xác định hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chính.
Muốn vậy, phải gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích quế đạt 66.000 ha, giá trị đạt khoảng 1.800 tỷ đồng; đến năm 2050 đạt 68.000 ha, giá trị đạt khoảng 2.200 tỷ đồng. Trong đó, diện tích quế hữu cơ đến năm 2025 phấn đấu đạt 30% và đạt hơn 50% vào năm 2050.
Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, các giải pháp trọng tâm đang được triển khai là hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tham gia các dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước hết là phát triển các vùng nguyên liệu theo quy trình hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiếp cận với các tổ chức quốc tế chứng nhận các sản phẩm quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm quế ra thị trường quốc tế…