Sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của AAFV nhằm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Pháp - Việt.
Một góc trưng bày trang phục dân tộc các dân tộc Việt Nam tại triển lãm.
Những bộ trang phục của người Dao, người Khơ Mú, những tấm khăn thổ cẩm của người Thái, người Lô Lô, chiếc gùi của người Êđê, hay đồ trang sức của người Mông… tất cả đã mang đến cho người xem một bữa tiệc mãn nhãn với những cảm xúc mới lạ và thú vị. Đây là bộ sưu tập bao gồm khoảng 70 bộ trang phục, mũ khăn, cùng rất nhiều phụ kiện, đồ trang sức và đồ dùng hằng ngày của hơn 30 dân tộc Việt Nam, sống chủ yếu ở miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên, cũng như các nhóm thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.
Cô Sonia Ait Mansour (du học sinh Maroc tại Pháp), sẽ dự thi Miss World 2023 vào cuối tháng 11 tại Dubai bên trang phục của người Dao Đỏ.
Sonia Ait Mansour, một du học sinh Maroc tại Pháp, người sẽ dự thi Miss World 2023 vào cuối tháng 11 này tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE), đã tỏ ra thích thú khi đến với triển lãm. Cô chia sẻ : "Tôi rất ấn tượng trước sự phong phú của các trang phục ở đây. Ta có thể nhìn thấy không chỉ các trang phục dân tộc truyền thống đơn thuần mà nó còn thể hiện sự đa dạng văn hóa, những cảm hứng được tạo nên từ sự giao thoa với các nền văn hóa láng giềng như Trung Quốc hay Lào, Campuchia. Các màu sắc bố cục rất ấn tượng, thể hiện tâm lý tình cảm và phong cách của mỗi dân tộc. Nhưng tôi đặc biệt thích bộ trang phục của người Dao Đỏ vì nó rất gần với trang phục của một bộ tộc thiểu số ở đất nước Maroc của tôi, ngay cả chi tiết trang sức cũng giống với trang phục truyền thống của chúng tôi".
Hai thanh niên trẻ Charles Darras và Julien Paralles cũng không giấu sự ngạc nhiên và ấn tượng trước các bộ trang phục trưng bày tại triển lãm. Anh Charles Darras cho biết đây là lần đầu tiên anh có cơ hội khám phá trang phục của các dân tộc của Việt Nam và rất bất ngờ trước sự đa dạng về phong tục tập quán cũng như là văn hóa của đất nước Á Đông này. Còn bạn anh, Julien Paralles lại đặc biệt ấn tượng với màu sắc của các trang phục dân tộc phía Bắc, vừa rực rỡ vừa phong phú. Thông qua triển lãm, anh còn nhận thấy sự đa dạng của cả tôn giáo và ẩm thực, từ trong Nam ra ngoài Bắc, khiến anh rất thích thú và muốn khám phá nhiều hơn nữa.
Bên cạnh mục tiêu quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam, triển lãm, mở cửa đến ngày 12/11, còn có mục đích khác, đó là kêu gọi bạn bè Pháp quan tâm và ủng hộ các hoạt động từ thiện do AAFV phát động nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.
Các trang phục dân tộc Việt Nam trưng bày tại triển lãm.
Ông Alain Dussarps cho biết bộ sưu tập dân tộc học hiếm có này được ông sưu tầm trong suốt thời gian gắn bó với Việt Nam thông qua khoảng 60 sứ mệnh nhân đạo mà ông đã thực hiện cùng các hội chữ thập đỏ và hội đoàn từ thiện ở những vùng nông thôn hẻo lánh của Việt Nam. Chính sự tin yêu, tình cảm và những món quà của những người được giúp đỡ đã giúp ông dần dần tập hợp được tất cả những đồ vật này, tạo nên bộ sưu tập quý giá. Ngược lại, cũng chính bằng việc tổ chức các cuộc triển lãm trang phục dân tộc Việt Nam ở các thành phố của Pháp, ông đã huy động được tài chính để triển khai các dự án nhân đạo. Đến nay, ông đã thực hiện được 99 dự án tại các tỉnh, thành ở Việt Nam với tổng số tiền hơn 562.000 euro. Các dự án tập trung chủ yếu trong giáo dục, y tế, nước sạch và phát triển kinh tế hộ gia đình ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc sinh sống.
Ông Alain Dussarps chia sẻ: "Những điều chúng tôi làm chỉ nhỏ thôi, nhưng lại có ý nghĩa to lớn đối với người dân địa phương. Năm nay, chúng tôi đã giúp được những người dân các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Mỗi dự án khoảng 3.000 - 4.000 euro tùy theo đề xuất của Hội chữ thập đỏ địa phương, vì họ hiểu hơn nhu cầu của người dân. Chúng tôi cố gắng hết sức để giới thiệu và giúp đỡ người dân Việt Nam".
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch AAFV, cho biết thêm: "Mỗi hiện vật và bộ trang phục trong bộ sưu tập là một câu chuyện gắn với các hoạt động nhân đạo của ông Alain Dussarps thực hiện trong suốt 30 năm qua. Do đó, triển lãm không chỉ để quảng bá văn hóa các dân tộc mà còn kêu gọi bạn bè Pháp ủng hộ những người thiểu số sống tại các vùng sâu, vùng xa, giúp họ chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, AAFV cũng muốn nhân dịp này kêu gọi ủng hộ và đoàn kết với nạn nhân da cam Việt Nam".
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự kiện đầy ý nghĩa này của AAFV nói chung và của ông Alain Dussarps nói riêng. Đại sứ cho rằng triển lãm không chỉ đơn thuần là giới thiệu những trang phục dân tộc ở các vùng miền, mà còn thể hiện sự gắn bó và tình yêu của ông Alain Dussarps đối với nhân dân Việt Nam, cũng như tâm huyết của ông trong các dự án nhân đạo, nhằm giúp đỡ đồng bào dân tộc ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh vươn lên trong cuộc sống.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: "Những đóng góp của ông Alain Dussarps không thể chỉ tóm tắt trong một vài câu chữ, một vài con số, hay trong một vài phút, mà nó thể hiện một câu chuyện dài, một tình bạn lâu năm và một sự đoàn kết bền vững. Tất cả những điều đó sẽ lưu dấu trong tâm trí và trái tim của chúng tôi và chúng tôi biết ơn ông về những gì ông đã làm, cũng như cảm ơn hội Hữu nghị Pháp - Việt đã luôn đồng hành và ủng hộ Việt Nam trong suốt thời gian qua".
Khách tham quan rất ấn tượng với các bộ trang phục của các dân tộc Việt Nam tại triển lãm.
Triển lãm kéo dài đến ngày 12/11 không chỉ quảng bá các hình ảnh dân tộc Việt Nam, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, mà còn thể hiện tình cảm trân quý của những người bạn Pháp, đặc biệt là nhà sưu tập Alain Dussarps đối với đất nước Việt Nam, góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp.