Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.
Ám ảnh kinh hoàng
Trận lũ quét kinh hoàng ập xuống thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khiến 13 học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh vĩnh viễn không còn cơ hội quay trở lại lớp với bạn bè, thầy cô. Để đảm bảo việc học tập an toàn cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường đã gấp rút cải tạo các phòng ít sử dụng, phòng chức năng để đón 107 học sinh Làng Nủ về điểm trường chính ở nội trú, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt.
Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh chia sẻ: “Sau bão, nhiều học sinh của trường đã không còn có cơ hội đến lớp nữa. Các giáo viên trong trường cũng hết sức đau buồn vì mất mát to lớn này. Những ngày đầu trở lại trường học, tâm lý nhiều em rất bất ổn. Có những em đã không thể tập trung vào bài giảng mà cả buổi chỉ khóc vì nhớ thương người thân. Có em lại bị ám ảnh nặng nề vì những điều mình vừa trải qua. Nhưng chúng tôi, bằng tất cả tình yêu thương đã luôn ở bên quan tâm, động viên các em mạnh mẽ, vượt qua mất mát, đau thương để tiến về phía trước”.
Cô bé Mông Hoàng Thảo Ngọc, 11 tuổi, học sinh Trường Trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh là một trong số những học sinh may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong trận lũ vừa qua. Sau 50 ngày chiến đấu với tử thần để giành lại sự sống, Ngọc đã được xuất viện và trở lại trường học. Ngọc bảo, em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho bà con làng Nủ.
Thầy Nguyễn Văn Phong, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cho biết: “Đối với những em học sinh đã đi học trở lại, chúng tôi cố gắng dạy bù những kiến thức bị hổng trong suốt thời gian nghỉ. Cùng với đó, việc quan trọng là tiến hành ổn định tâm lý cho các em. Các giáo viên trong trường đều dành những tình yêu thương vô bờ bến đối với học sinh của mình, đặc biệt là các em bị mất người thân, nhà cửa ở Làng Nủ. Mọi người đều trăn trở tìm cách giúp đỡ các mầm xanh tương lai hòa nhập cuộc sống sau thảm kịch”.
Giống như các thầy cô của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 xã Phúc Khánh, các cô giáo của Trường Mầm non số 1 cũng đã luôn động viên nhau mạnh mẽ để đưa các con trở về cuộc sống bình thường. Cô Hoàng Thị Hoa, giáo viên lớp 2-3 tuổi nhớ lại: “Thời gian đầu các con đi học trở lại các cô đã phải rất vất vả để các con không bị hoảng sợ. Vì các con ngây thơ nên việc mỗi ngày lặp đi lặp lại các câu hỏi bạn này đi đâu, bạn kia đi đâu (hỏi về những bạn đã mất – PV) khiến các cô đau thắt lòng. Không chỉ vậy, mà đến bữa ăn hay lúc vui chơi các con vẫn phần đồ ăn và dành đồ chơi cho các bạn. Phải khá lâu sau các con mới từ bỏ thói quen đó”.
Cũng theo lời chia sẻ của cô Hoa, hiện các lớp học đã trở về trạng thái bình thường, những tiếng cười rộn rã, tiếng đọc bài, đùa vui của trẻ thơ xuất hiện lại tại điểm trường mầm non Làng Nủ. Đây là niềm vui, sự hạnh phúc và mong mỏi của các cô.
Đứng cạnh cô hoa, cô Mai Hồng Nhung (giáo viên lớp 4-5 tuổi) tâm sự với chúng tôi, giáo viên ở đây đều coi các em trong Làng Nủ như con của mình nên yêu thương, cưng chiều hết mức, không có ai nỡ quát nạt, to tiếng hay mắng nặng lời cả. Cô Nhung chia sẻ: “Nhìn các em có những bữa ăn đầy đủ, có giấc ngủ ngon và cười nói vui vẻ khi đến trường đã là điều hạnh phúc nhất đối với chúng tôi”.
Điểm trường mới – hy vọng mới
Những ngày này, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 và Trường Mầm non số 1 xã Phúc Khánh đang tất bật dọn dẹp, sắp xếp cơ sở vật chất để chuẩn bị đón các em học sinh tại điểm trường mới ở khu tái định cư.
Cô giáo Hoàng Thị Hoa cho biết: “Mấy ngày qua trường đã huy động giáo viên tranh thủ thời gian trống tiết sẽ lên điểm trường của khu tái định cư để dọn dẹp và trang trí lớp cả bên trong lẫn bên ngoài. Mỗi một lớp sẽ có 6 góc chơi nên các cô sẽ trang trí theo chủ đề như góc học tập, góc tạo hình, góc học toán… Bên ngoài chúng tôi trang trí thành nhiều góc như: góc phụ huynh, góc dân tộc và thêm cả trang trí Noel”.
Theo lời cô Hoa chia sẻ, trước khi được chuyển về điểm trường mới thì cô cùng các con vẫn đang học tập ở điểm trường cũ. Tuy nhiên, diện tích của điểm trường cũ khá nhỏ, nên các con không có đủ phòng học. Cụ thể như lớp 2-3 tuổi của cô Hoa đang chủ nhiệm chỉ là cái phòng công vụ cũ của trường tiểu học. Thế nên, được chuyển tới điểm trường mới với không gian rộng, có sân vui chơi, cùng với cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ khiến cô trò của Trường Mầm non số 1 rất hân hoan và hạnh phúc.
Giống như các cô giáo mầm non, những ngày này các thầy cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở 1 xã Phúc Khánh cũng đang hân hoan dọn dẹp cơ sở mới. Thầy Phạm Văn Vinh cho biết: “Điểm trường mới ở khu tái định cư sẽ dành cho các cháu lớp 1, lớp 2 của làng Nủ còn các cháu từ lớp 3 trở lên thì sẽ phải ra trường chính học. Trước khi bão lũ thì điểm trường cũ có 29 học sinh, nhưng sau khi cơn bão đi qua thì chỉ còn có 26 cháu, 3 cháu đã không may mắn bị lũ cuốn đi. Vừa rồi làng Nủ mới đã được bàn giao cho các hộ dân và cho nhà trường”.
Từ khi được chính thức bàn giao, nhà trường đã cử các thầy cô vào điểm trường mới kê bàn ghế, trang trí các phòng học và trồng các chậu hoa, cây cảnh. Ngoài ra các thầy cô cũng lắp tivi, lắp bảng để làm phương tiện dạy học cho các con. “Dù điểm trường mới đã xây xong, các con và thầy cô cũng rất háo hức nhưng hiện tại các con vẫn đang học ở điểm trường chính. Lý do là bởi, các con đã sắp học hết chương trình của học kỳ 1, theo lịch chỉ còn khoảng 2, 3 tuần nữa sẽ kết thúc. Vì vậy chúng tôi mong muốn là cho các con ổn định để kiểm tra, kết thúc học kỳ 1. Khi nào bước sang học kỳ 2 thì sẽ chuyển sang điểm trường tái định cư. Tất nhiên, đấy là mong muốn của nhà trường, còn quyết định cuối cùng vẫn là cấp trên”, thầy Vinh chia sẻ.
Những tiếng cười trong trẻo, ánh mắt háo hức của trẻ thơ tại các điểm trường làng Nủ chính là minh chứng rõ nét nhất cho sức sống mãnh liệt của vùng đất từng oằn mình trong cơn bão dữ. Hành trình đến trường của các em không chỉ là con đường đến tri thức mà còn là con đường hồi sinh, gắn kết và thắp sáng niềm tin cho cả cộng đồng. Làng Nủ hôm nay, dưới bầu trời trong xanh và tiếng trẻ thơ rộn ràng, đang viết tiếp câu chuyện về ý chí vượt khó và khát vọng tương lai.