LCĐT - Cây địa liền là một loại cỏ, sống lâu năm, mọc hoang khắp nơi trong cả nước, ở Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ… Tại Lào Cai, cây địa liền được trồng rải rác ở hầu khắp các địa phương.
![]() |
Tên khoa học: Kaempferia galanga L.
Họ: Gừng (Zingiberaceae).
I. Đặc điểm sinh vật học
1. Nguồn gốc, phân bố
Cây địa liền là một loại cỏ, sống lâu năm, mọc hoang khắp nơi trong cả nước, ở Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ… Tại Lào Cai, cây địa liền được trồng rải rác ở hầu khắp các địa phương. Theo quy hoạch phát triển cây dược liệu của tỉnh, từ nay đến năm 2010, Lào Cai sẽ trồng đa dạng, mở rộng diện tích trồng các loại dược liệu, trong đó có cây địa liền.
2. Đặc điểm thực vật học
Địa liền là cây thuốc thân thảo, có thân rễ sống lâu năm, mập, hình trứng thuôn dạng củ nhỏ bám vào nhau; lá đơn mọc cách 2 đến 3 chiếc (mọc xòe sát mặt đất), hình trứng hay bầu dục, cuống ngắn có bẹ, các lá hợp lại với nhau thành 1 cuống dài 1 đến 2 cm; hoa không có cuống gồm 8 đến 10 bông màu trắng, có phớt tím ở giữa.
II. Kỹ thuật trồng trọt
1. Chọn vùng trồng
Chọn đất thịt nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt, không ô nhiễm.
2. Giống và kỹ thuật nhân giống
Củ địa liền thường thu hoạch vào tháng 12, được làm sạch rễ và đất, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Khi đến thời vụ, tách từng củ đem ra trồng, đến tháng 3 củ bắt đầu nhú mầm.
Lượng giống trung bình từ 80 đến 90 kg/360 m² (2.500 kg/ha), chọn củ không bị sâu đem trồng, có thể bổ hốc hoặc trồng theo hàng. Hiện nay, địa liền có 3 giống đang trồng phổ biến là địa liền tía, địa liền trắng và địa liền giống Trung Quốc.
3. Thời vụ trồng
Từ tháng 2 đến tháng 4, thích hợp nhất là vào tháng 3.
4. Kỹ thuật làm đất
Chọn đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước và đủ ẩm, được cày ải, bừa nhỏ, sạch cỏ dại, lên luống rộng 1,2 m, rãnh 40 cm, cao 35 cm thuận tiện cho việc tưới tiêu.
5. Mật độ, khoảng cách trồng
Khoảng cách 20 x 20 cm, mật độ 250.000 cây/ha hoặc khoảng cách 30 x 20 cm, mật độ 166.600 cây/ha.
6. Kỹ thuật trồng
Mầm giống được đặt theo rạch đã bón phân, phủ một lớp đất dày 2 đến 3 cm, sau đó phủ một lớp trấu mỏng để giữ ẩm.
7. Phân bón và kỹ thuật bón phân
- Lượng phân bón cho 1 ha: Phân chuồng hoai mục 15 đến 20 tấn, supe lân 800 đến 850 kg, đạm ure 300 đến 350 kg, kali 200 đến 250 kg.
- Bón lót toàn bộ phân chuồng + supe lân.
- Bón thúc: Sau mỗi đợt làm cỏ chia đều lượng phân đạm và kali để bón cho cây từ 2 đến 3 lần/năm.
8. Chăm sóc
Sau trồng 1 tháng cây đã có lá thật, cần làm cỏ kết hợp vun gốc và bón phân cho cây.
9. Phòng trừ sâu, bệnh hại
Cây địa liền ít sâu bệnh hại, thường xuất hiện sâu ăn lá, sâu cuốn lá, rệp; có thể dùng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học phun trừ.
10. Thu hoạch
Vào tháng 12 khi lá cây lụi, chọn ngày nắng, đào củ làm sạch đất rồi vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Nếu làm giống thì chọn củ đồng đều, nhặt sạch rễ và đất rồi đem bảo quản để trồng vụ sau.