Nhiều chuyên gia cho rằng, định hướng thời gian tới, phát triển công nghệ vũ trụ là yêu cầu tất yếu của quốc gia. Do đó, cần hình thành chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ quốc gia, có đầu tư mạo hiểm. Tổng công trình sư cho dự án công nghệ vũ trụ cần được giao quyền tự chủ rất cao, chấp nhận rủi ro, chấp nhận mạo hiểm và miễn trừ trách nhiệm cho những người chủ trì dự án.

Phát triển công nghệ vũ trụ là yêu cầu tất yếu của quốc gia
Theo ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tích cực triển khai Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ. Hiện nay, chương trình đang ở giai đoạn IV (2021-2030), tập trung vào 4 nội dung chính: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện khung pháp luật, nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ, nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng.
Chương trình đã huy động sự tham gia rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, mang lại nhiều kết quả thiết thực, phục vụ cả mục tiêu dân sinh và quốc phòng-an ninh. Hiện nay, Việt Nam đã phát triển được một số vệ tinh nhỏ như PicoDragon (2013), MicroDragon (2019), NanoDragon (2021), cùng với vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 (2013). Các dự án tương lai đang tiếp tục được lập kế hoạch nhằm tăng cường năng lực giám sát, quan sát Trái đất.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các chính sách, cơ chế nhằm khai thác hiệu quả dữ liệu vệ tinh; khuyến khích chuyển giao công nghệ vũ trụ lưỡng dụng và hoàn thiện hệ thống trạm mặt đất. Các thủ tục đăng ký, phối hợp tần số và quỹ đạo vệ tinh được thực hiện chặt chẽ theo quy định của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
Đáng chú ý, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng thông qua việc đầu tư cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nâng cấp phòng thí nghiệm chuyên sâu và hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh tại các viện, trường.
Về ứng dụng thực tiễn, các phương án thay thế vệ tinh VINASAT-1 và 2 đang được nghiên cứu nhằm bảo đảm năng lực viễn thông quốc gia. Hệ thống định vị dẫn đường quốc gia cũng đang trong lộ trình phát triển nhằm giảm phụ thuộc vào hệ thống GPS toàn cầu.
Về phát triển thiết bị bay không người lái (UAV), khinh khí cầu, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chế tạo thành công UAV và ứng dụng rộng rãi trong công tác thu thập dữ liệu tài nguyên và môi trường bao gồm thu nhận đối tượng địa lý, thành lập các bản đồ chuyên đề về lớp phủ bề mặt, biến động sử dụng đất… Như vậy, có thể thấy Việt Nam đã hoàn toàn có khả năng thiết kế, chế tạo hệ thống vệ tinh cỡ nhỏ, UAV, khinh khí cầu, tuy nhiên, các hệ thống này mới chỉ dừng lại ở mức đơn lẻ. Việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu vẫn là thách thức lớn đối với các nhà phát triển trong nước, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Lý Hoàng Tùng cho biết, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước thể hiện rõ trong Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Quyết định số 169/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 và mới đây là Quyết định số 1131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược, xác định công nghệ hàng không, vũ trụ là một trong 11 công nghệ chiến lược được ưu tiên đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, hai bài toán lớn trong số 21 bài toán lớn do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố gồm nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất và chế tạo vệ tinh tầm thấp; xây dựng hệ thống quản lý và giám sát tài nguyên rừng quốc gia trên nền tảng số và công nghệ viễn thám đang thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp.
Ông Lý Hoàng Tùng cho rằng, phát triển công nghệ vũ trụ sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tri thức, củng cố tiềm lực quốc phòng – an ninh, khẳng định vị thế Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Hình thành chiến lược kinh tế vũ trụ quốc gia
Nêu quan điểm phát triển công nghệ vũ trụ muốn đi xa cần có chiến lược dài hạn đến năm 2040–2050 đi kèm cơ chế tài chính ổn định và điều phối tập trung, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho rằng, hiện nay, các hoạt động vũ trụ vẫn còn phân tán giữa các bộ, ngành; Ủy ban Vũ trụ Việt Nam mới hoạt động như một "ban chỉ đạo" mang tính tư vấn và phối hợp. Việt Nam cần thành lập cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia, có thể tham khảo mô hình Philippines, nơi có cơ quan vũ trụ quốc gia trực thuộc Chính phủ, để điều hành thống nhất và có phải có luật chuyên ngành về không gian.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn dẫn chứng, kinh tế vũ trụ toàn cầu dự báo sẽ đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030. Nhiều tỷ phú công nghệ đang đổ vốn vào lĩnh vực này, vì vậy Việt Nam không thể đứng ngoài. " Đã đến lúc chúng ta cần xác định vũ trụ không chỉ là công nghệ chiến lược mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn nêu ý kiến. Ông cũng đề xuất xây dựng một chiến lược quốc gia về kinh tế vũ trụ, nhằm tận dụng các ứng dụng từ viễn thông, vệ tinh và các dịch vụ liên quan.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn cho biết thêm, Trung tâm Khám phá Vũ trụ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, sẽ được cấp phép đầy đủ và mở cửa hàng ngày cho công chúng từ tháng 9 tới để phục vụ cộng đồng. Đây là không gian phổ biến kiến thức về lịch sử, khoa học và công nghệ vũ trụ, cũng như khơi dậy niềm đam mê khoa học cho các bạn trẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Đây là một cơ sở rất quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ trụ, vì lần đầu tiên Bộ Chính trị có ý kiến chính thức để ưu tiên phát triển công nghệ vũ trụ.
Theo đó, không gian vũ trụ phải được xác định là một trong 5 không gian chiến lược của Việt Nam, cùng với không gian đất, biển, trời, không gian mạng. "Tôi cho rằng việc này nên đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng khóa tới, và với nền tảng này thì chúng ta mới có bước tiến rất dài hạn cho phát triển vũ trụ", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn nói.
Cần đầu tư mạo hiểm và có tổng công trình sư cho công nghệ vũ trụ
Tiến sỹ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ chiến lược, nhưng đồng thời phải trở thành công nghệ hàng đầu, cùng với bán dẫn và năng lượng hạt nhân.
Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ từ năm 2006, được cập nhật năm 2021 (giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2040). Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Quyết định số 1131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược là nền tảng vững chắc để phát triển công nghệ vũ trụ.
Tuy nhiên, để cụ thể hóa, Chính phủ nên giao Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập hay điều hành một chương trình khoa học công nghệ của quốc gia về công nghệ vũ trụ. Chương trình này có thể do Ủy ban Vũ trụ Việt Nam chủ trì điều hành, để sớm có sản phẩm công nghệ chiến lược về vũ trụ. Bên cạnh đó, cần xây dựng dự án về công nghệ vũ trụ và thí điểm hình thành tập thể khoa học mạnh về công nghệ vũ trụ mà đứng đầu là một tổng công trình sư xuất phát từ các dự án; chưa có dự án thì chưa chọn tổng công trình sư.
Tiến sỹ Nguyễn Quân cũng cho rằng, cần thí điểm cơ chế sandbox theo Nghị quyết 193 của Quốc hội, tức là thí điểm một dự án công nghệ lớn với chức danh của tổng công trình sư được giao quyền tự chủ rất cao, chấp nhận rủi ro, chấp nhận mạo hiểm và miễn trừ trách nhiệm cho những người chủ trì dự án công nghệ lớn. Như vậy mới có thể mời các nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm và uy tín để đứng đầu các dự án công nghệ lớn.
"Việt Nam không thể trông chờ sự chuyển giao công nghệ vũ trụ từ nước ngoài. Liên quan đến an ninh quốc phòng, chúng ta phải làm chủ được công nghệ này thông qua xây dựng các dự án. Theo tôi cần có một khoản đầu tư đủ lớn từ Nhà nước. Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực "quý tộc", đầu tư lớn, nhưng sản phẩm có tính mạo hiểm cao. Chúng ta cần chấp nhận "đầu tư mạo hiểm", "văn hoá thất bại", chấp nhận rủi ro để các nhà khoa học dám dấn thân", Tiến sỹ Nguyễn Quân nêu rõ quan điểm.
Ngoài ra, cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Quân, cần có chính sách đào tạo và thu hút cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ. Nếu chỉ trông chờ vào kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ khó có được những nhà khoa học giỏi trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Nhà nước cần có chính sách đặt hàng đào tạo như thời bao cấp, qua đó Việt Nam đã có những nhà khoa học rất nổi tiếng.