Chiều 20/4, tham dự hội thảo “Điện gió ngoài khơi và Quy hoạch không gian biển Việt Nam”, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam - nhắc tới báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do UNDP và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 5/2022.
Theo báo cáo, nếu áp dụng kịch bản xanh lam, ước tính các ngành kinh tế biển của Việt Nam sẽ chiếm 34% GDP (23,5 tỷ USD) vào năm 2030, trong khi GNI bình quân đầu người của người lao động trong các ngành này sẽ tăng tới 77,9% (7.100 USD) so với kịch bản thông thường.
Do đó, bà Khalidi nhấn mạnh “đẩy nhanh quy hoạch không gian biển là điều cần thiết để mở ra tiềm năng to lớn về phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và mục tiêu về biến đổi khí hậu công bố tại COP26”.
“Chúng tôi nhận ra không có mô hình duy nhất trong quy hoạch không gian biển. Mỗi quốc gia phải tự xác định mô hình của riêng mình, dựa trên các ưu tiên chiến lược, dữ liệu hiện có và kinh nghiệm của các quốc gia khác”, bà nói thêm.
Hội thảo do Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội tổ chức.
Hội thảo đã đề cao vai trò quan trọng của quy hoạch không gian biển giúp xác định các khu vực phù hợp cho dự án năng lượng gió ngoài khơi, trong bối cảnh phát triển nền kinh tế xanh bằng cách thúc đẩy công nghệ đổi mới, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Khó khăn từ cả quy hoạch điện lẫn quy hoạch biển
Tại sự kiện, ông Tạ Đình Thi, Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường nhận định là một trong số những nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đang tiên phong trong thực hiện những cam kết xanh, dù còn nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Thi, Việt Nam là quốc gia biển với khả năng điện gió ngoài khơi lớn, khu vực gió cao và có tiềm năng kinh tế lớn nhất chủ yếu ở Nam Trung Bộ.
Dẫu vậy, Việt Nam đang ở giai đoạn tương đối sớm trong quá trình xây dựng tài liệu quy hoạch vùng ven biển và quản lý bền vững tài nguyên, cũng như tài liệu quy hoạch không gian biển.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định quá trình quy hoạch biển ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó cần sắp xếp không gian tránh mâu thuẫn giữa các ngành, hay tránh xung đột giữa phát triển kinh tế với bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học.
“Khó khăn thứ nhất nằm ở nhận thức, khi hiểu biết về quy hoạch biển ở Việt Nam còn sơ khai. Để khắc phục hạn chế, Việt Nam đã tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế và các quốc gia, trong đó có Na Uy và Đan Mạch”, ông Toàn nói.
Về khó khăn thứ hai, ông Toàn cho rằng nằm ở việc cập nhật số liệu trên biển. “Quy hoạch là cả quá trình, cần làm và cập nhật số liệu theo từng bước”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề cập tới các rào cản Việt Nam gặp phải khi xây dựng điện gió ngoài khơi. Một trong số đó đến từ hành lang pháp lý còn non trẻ của Việt Nam, khi nhiều tiêu chí còn đơn giản, rời rạc và chưa có tính hệ thống hóa.
“Hai quy hoạch điều chỉnh điện gió ngoài khơi, từ quy hoạch điện, lẫn quy hoạch biển, chúng ta đều chưa có”, ông Dũng nhận định. “Chưa kể, chúng ta còn cần quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn chọn nhà đầu tư, hay tiêu chí an toàn và môi trường”.
Quy hoạch không gian biển là quá trình liên tục
Chia sẻ tại hội thảo, ông Peter Haugan - Giám đốc Chính sách, Viện Nghiên cứu Biển (Na Uy) - đã đề cập tới kinh nghiệm của Na Uy trong quy hoạch và phân vùng đại dương bền vững cho quy hoạch không gian biển.
Theo đó, các nhà quy hoạch cần nắm dữ liệu cụ thể của ngành, dữ liệu về môi trường, tác động của các hoạt động con người tới môi trường, cập nhật quy hoạch định kỳ và xem xét tính bền vững của các hoạt động.
Về xây dựng các trang trại điện gió, ông Haugan đề cập tới lời khuyên của Viện Nghiên cứu Hải dương Na Uy (IMR), trong đó tránh xây dựng ở những khu vực đặc biệt quan trọng với một số loài nhất định hoặc khu vực đặc biệt nhạy cảm. Ngoài ra, ông Haugan cũng cho rằng không nên xây dựng trong giai đoạn sinh sản của cá...
Ông Haugan cũng nhắc tới một số việc cần làm trong quá trình này, như xây dựng hướng dẫn rõ ràng về việc ngừng hoạt động sau khi kết thúc giai đoạn vận hành, đồng thời giám sát các thay đổi vật lý và sinh học trong khu vực tại giai đoạn vận hành và sau khi ngừng hoạt động.
Bà Ramla Khalidi cũng đưa ra một số khuyến nghị với quy hoạch không gian biển tại Việt Nam.
“Quy hoạch không gian biển nên được coi là quá trình liên tục. Chính phủ nên tập trung vào những lĩnh vực có kiến thức tốt nhất, cùng với những lĩnh vực mà quy hoạch không gian biển sẽ cung cấp định hướng và khuôn khổ tổng thể để các lĩnh vực khác có thể phát triển từ đó”, bà nói.
Ngoài ra, bà Khalidi nhấn mạnh chính phủ nên đầu tư vào khảo sát cơ bản như đo tốc độ gió, địa chất đáy biển; cân nhắc cơ chế theo dõi nhanh để có thể thử nghiệm phát triển những kilowatt điện đầu tiên; đồng thời cần gấp rút xây dựng khung pháp lý đổi mới và tiến bộ, cùng với cơ chế mua bán điện trực tiếp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Chia sẻ thêm, bà Ramla Khalidi nói quá trình quy hoạch không gian biển của Việt Nam cần mang tính liên ngành, trong đó cần xem xét sự giao thoa và xung đột lợi ích giữa các ngành ngư nghiệp, thương mại, vận tải biển.
“Bên cạnh đó, quá trình tham vấn cần mang tính bao trùm. Tham vấn không chỉ giữa các bộ ngành với nhau, mà cần có sự tham gia của ngư dân, chính quyền địa phương và những thành phần dân cư bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế trên biển”, bà nhận định.
Dẫu vậy, trưởng đại diện UNDP cũng nói thêm trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn là thách thức.
“Việt Nam đang đi trên con đường đúng đắn để tiến tới tương lai bền vững và trở thành nước đi đầu trong khu vực về chuyển đổi năng lượng”, bà Khalidi kết luận.
Đề cập tới sự giúp đỡ của Na Uy với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Đại sứ Hilde Solbakken cho biết khu vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong quá trình này.
"Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển môi trường thuận lợi để khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo", bà chia sẻ.
Nhắc tới một số công ty năng lượng tái tạo nổi tiếng đã hoạt động tại Việt Nam, vị đại sứ Na Uy cho rằng ngoài những dự án đã và đang thực hiện, họ có thể cung cấp công nghệ tiên tiến và giải pháp thông minh.
"Họ cũng có kinh nghiệm về cách phối hợp với chính phủ, cơ quan quản lý và các bên của nền kinh tế trong việc đưa ra khung chính sách và quy định hợp lý, đồng thời dự đoán tương lai ngành năng lượng, đặc biệt với các ngành mới nổi như năng lượng gió ngoài khơi và lưu trữ carbon", bà Solbakken chia sẻ.