Quốc hội nhất trí sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: BÙI GIANG)

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: BÙI GIANG)

Chiều 5/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 5/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Sau phiên thảo luận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 452/452 đại biểu có mặt tán thành và thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 446/446 đại biểu có mặt tán thành.

Trong đó, Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 Điều.

Cụ thể, Điều 1: Quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

Điều 2: Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quyết nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên, gồm: 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 3 Ủy viên Thường trực và 8 Ủy viên.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban; các Phó Chủ tịch Ủy ban là: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Các Ủy viên Thường trực gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Trước đó, thảo luận ở hội trường về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo, thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Theo đại biểu, việc sửa đổi lần này tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, loại bỏ sự cồng kềnh, giao thoa 3 cấp, giảm tầng lớp trung gian để thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh, linh hoạt, tập trung và trách nhiệm.

Việc sửa đổi cũng củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, từ đó không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất, phản biện chính sách, tham gia thiết kế chính sách công.

Đồng thời, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang đặt ra cấp bách, cần được Hiến pháp quy định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến thảo luận ở hội trường chiều 5/5. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu ý kiến thảo luận ở hội trường chiều 5/5. (Ảnh: BÙI GIANG)

Về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, đại biểu nhấn mạnh thành phần của Ủy ban dự thảo được đề xuất là những người tiêu biểu từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ ngành.

Đại biểu đề nghị chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để dân biết, dân bàn, dân góp ý, dân đồng thuận; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật lập hiến theo hướng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán.

Đặc biệt, cần hiến định mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước để xây dựng nền hành chính hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tái định hình tư duy quản trị quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhất trí cao với tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các văn bản đã bảo đảm rõ ràng, nghiêm túc, hợp pháp.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu thảo luận. (Ảnh: BÙI GIANG)

Theo đại biểu, việc lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu ý kiến nhân dân là việc làm hết sức quan trọng, hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất hệ trọng, trong khi thời gian thực hiện không nhiều, do đó việc tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia là vô cùng quan trọng.

Đại biểu cho rằng, Ủy ban dự thảo cần tổ chức nhiều buổi tọa đàm với các nhà khoa học, các chuyên gia là những người đã tham gia nhiều trong lĩnh vực lập pháp trong và ngoài nước, lĩnh vực Mặt trận Tổ quốc để có được những ý kiến đóng góp sắc bén, chất lượng vào quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.

Nêu ý kiến thảo luận tổ sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một trong những nội dung rất quan trọng của Kỳ họp thứ 9 là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tổng Bí thư yêu cầu việc sửa Hiến pháp phải bảo đảm quy trình theo đúng quy định, phải lấy ý kiến của nhân dân.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này chỉ tập trung phục vụ việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương, không mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về quyền con người trong ASEAN

Việt Nam thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về quyền con người trong ASEAN

Ngày 8/7, tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 đã khởi động với hai hoạt động quan trọng là Đối thoại với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Anh làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Yên Bình về tổ chức đại hội điểm cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Anh làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Yên Bình về tổ chức đại hội điểm cấp xã nhiệm kỳ 2025-2030

Chiều 8/7, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy xã Yên Bình về một số nội dung tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Yên Bình lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây là đại hội điểm cấp xã của tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Giang làm việc với Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Giang làm việc với Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy

Thực hiện Chương trình công tác, chiều 8/7, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhằm nắm tình hình tổ chức, vận hành bộ máy, kết quả thực hiện nhiệm vụ sau hợp nhất và định hướng triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Chuyến công tác của Thủ tướng làm sâu sắc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác, bạn bè truyền thống

Chuyến công tác của Thủ tướng làm sâu sắc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác, bạn bè truyền thống

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng có cuộc trả lời phỏng vấn về những kết quả đạt được trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng 2025 và tiến hành hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 4-8/7.

Kết quả Phiên họp 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực

Kết quả Phiên họp 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 28 để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc đồng chí Tạ Văn Long - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh nghỉ chế độ

Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Yên Bái (cũ) nghỉ chế độ và thường trực cấp ủy cấp huyện chuyển công tác về cấp xã

Chiều 7/7, Tỉnh ủy Lào Cai đã tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái (cũ) nghỉ chế độ và 43 đồng chí nguyên thường trực huyện ủy - thị ủy - thành ủy của 2 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái (cũ) chuyển công tác về cấp xã.

fb yt zl tw