Phép thử cho ngành du lịch

Dịp hè, đặc biệt là kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được xem là “mùa vàng” của ngành du lịch. Tuy nhiên, đây cũng thường là lúc quá tải, cung không đáp ứng đủ cầu.

Mô hình du lịch homestay đang phát triển khá mạnh tại Ninh Bình.

Tạo trải nghiệm cho du khách

Năm 2024 ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều biến chuyển tốt. Bên cạnh những chỉ số tăng trưởng trong các dịp nghỉ lễ đầu năm, thời gian qua nhiều địa phương đã cho ra mắt nhiều sản phẩm trải nghiệm nhằm thu hút du khách.

Có thể kể đến Năm Du lịch Quốc gia 2024 tại Điện Biên với 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng; trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương chủ trì tổ chức. Mới đây nhất, bên cạnh lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia, show diễn thực cảnh “Huyền tích UVA” chính thức ra mắt đã mang lại cho du khách trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.

Cùng với Điện Biên, các điểm đến ưa thích của du khách trong dịp hè là biển, đảo đã được nhiều địa phương xây dựng hàng loạt chương trình nhằm kích cầu du lịch. Đơn cử như Khánh Hòa với chương trình Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024 sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 16/6. TP Hạ Long (Quảng Ninh) với Lễ hội Carnaval Hạ Long diễn ra vào tối 30/4. Nét mới, đặc sắc của Lễ hội Carnaval Hạ Long 2024 là chương trình sẽ sử dụng yếu tố nghệ thuật nhạc kịch, kết hợp hài hòa với lịch sử, văn hóa để làm nổi lên các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tỉnh Thanh Hóa với chuỗi sự kiện như Liên hoan đặc sản xứ Thanh; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Quảng Xương; Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái; Lễ hội đường phố - Carnival du lịch biển Sầm Sơn; chuỗi sự kiện Flamingo Ibiza Beach Fest...

Cùng với đó, nhiều điểm đến du lịch quen thuộc cũng sẽ tổ chức các chương trình “Chào hè” nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Trong đó, Hà Nội bên cạnh các chuỗi sự kiện sẽ đẩy mạnh khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô. Từ ngày 7 đến 12/6, Festival Huế 2024 sẽ diễn ra với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” quy tụ các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ của Huế, Việt Nam và quốc tế…

Còn đó những chông gai

Có thể nói, nhiều sản phẩm làm mới ngành du lịch đang tạo ra những điểm nhấn. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cứ đến mùa cao điểm là những “sự cố”, các hình ảnh xấu xí lại rình rập xuất hiện. Thực tế cứ vào mùa du lịch, đợt nghỉ lễ, hay các sự kiện thu hút đông đảo người dân hầu như các điểm đến đều rơi vào tình trạng ùn tắc. Nhiều du khách đã mua vé, xếp hàng nhưng vẫn phải ngao ngán ra về vì quá tải.

Mới đây trong chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024” là hình ảnh tắc nghẽn trong nhiều giờ trên một số tuyến phố tại quận Tây Hồ. Rồi câu chuyện chặt chém, đội giá, chèo kéo tại một số điểm đến vẫn thường xuyên xảy ra. Gần đây vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện trên diễn đàn quốc tế với hình ảnh đầy rác thải kém thân thiện. Điều này làm nhiều du khách thất vọng khi đến đây.

Bên cạnh đó, trên thực tế dù lượng du khách tăng nhưng khách đi tour lại không nhiều, các công ty du lịch vẫn “đói khách”. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp, muốn vậy phải có chính sách thích hợp trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách rất chậm và khó, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Nếu lạc hậu về chính sách thì sẽ luôn luôn tụt hậu, bao gồm cả trong chính sách xúc tiến du lịch. Cũng theo ông Bình, nhiều tỉnh thành tổ chức lễ hội, nhầm lẫn giữa thu hút khách nội địa với khách quốc tế. Bởi, khách du lịch quốc tế không đủ thời gian và sự quan tâm để tham gia những lễ hội mà chúng ta tổ chức ở khắp nơi. Vì vậy, rất cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia, các tỉnh thành dành kinh phí thực hiện xúc tiến theo đúng chiến lược đó mới thu hút được khách.

Cùng với đó, mùa du lịch hè năm nay cũng được dự báo sẽ khó khăn với nhiều công ty lữ hành do việc tăng giá trần vé máy bay từ 1/3 đã tác động tới các tour du lịch trong nước. Giám đốc Công ty Kiwi Travel Phạm Quý Huy cho hay, dù chưa vào cao điểm du lịch hè, nhưng giá vé máy bay đã tăng cao, nhiều khách có kế hoạch đặt tour sớm đang ưu tiên chọn địa điểm gần, di chuyển bằng đường bộ. Bên cạnh đó, một bộ phận khách có xu hướng chuyển sang chọn tour nước ngoài, vì giá vé máy bay đi nước ngoài cạnh tranh hơn.

Mùa du lịch hè 2024 tới đây đang được xem là “phép thử” lớn đối với du lịch Việt Nam. Bởi chỉ cần một vài hình ảnh xấu xí sẽ ảnh hưởng rất lớn uy tín của điểm đến. Đặc biệt là sự “tẩy chay” khi các nền tảng mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Vì thế, để du lịch bứt phá mạnh mẽ, cần có sự thay đổi về nhận thức, cách làm, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam một cách toàn diện.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Viettravel Vũ Quốc Kỳ, để đón khách nhiều hơn, trước hết cần có sự chuyển biến về nhận thức. Từ nhận thức chúng ta đưa ra mục tiêu định hướng, kế hoạch, giải pháp và nhiệm vụ. Một trong những hạn chế, tồn tại hiện nay là cơ chế thay đổi chậm, thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, tại mỗi địa phương, điểm đến cần định vị lại môi trường du lịch, phải an ninh, an toàn, sạch, xanh, đồng bộ hóa, giảm phát thải và thân thiện với môi trường để thu hút du khách.

Báo Đại đoàn kết

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

Không bắt đầu bằng hành trình check-in hay cà phê sáng sang chảnh, chuyến đi của nhóm bạn trẻ “đi cùng Mây” khởi đầu bằng… một nồi phở nghi ngút khói giữa vùng cao Bắc Hà. Trong căn bếp mộc mạc ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, những bạn trẻ tự tay nấu từng bát phở nóng để trao tặng các em nhỏ - những đứa trẻ chưa quen với mùi vị của một bữa sáng đủ đầy.

Sống chậm giữa phố biển

Sống chậm giữa phố biển

Đến Nha Trang (Khánh Hòa), đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển, choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Sau những giờ đắm mình trong biển xanh, thỏa sức vui chơi ở VinWonders, bay bổng cùng dù lượn, hãy dành thời gian len lỏi những con phố, hay đến với những vùng quê ở ngoại thành Nha Trang để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng của phố biển. Vẫn còn có một Nha Trang rất khác, chờ đợi bạn khám phá.

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tỉnh Yên Bái xác định "du lịch văn hóa" là sản phẩm đặc trưng, phát triển theo hướng lấy bản sắc văn hóa làm cảm xúc chủ đạo, nhân dân làm chủ thể, trải nghiệm du khách làm trung tâm. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản, hướng tới “biến di sản thành tài sản”, “biến tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

fb yt zl tw