Dự lễ phát động có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, thành viên Tiểu ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh; lãnh đạo một số huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
"Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2023 có chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5. Mục đích của tháng hành động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước và giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành được phân công quản lý an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua công tác kiểm tra, giám sát tăng cường đã phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số chợ trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm; tình trạng thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn tồn tại trên thị trường; thói quen lạm dụng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc còn khá phổ biến; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý… tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, gây tổn thất lớn về sức khỏe, kinh tế, chính trị, đời sống an sinh xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm 2021 - 2022, tuy tỷ lệ người mắc/100.000 dân đã giảm đi rõ rệt nhưng lại có những diễn biến phức tạp, còn để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học, tại cơ sở thực phẩm...
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề cập như: 100% huyện, thị xã, thành phố tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” cấp huyện để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu cấp phép, quản lý, thanh tra, kiểm tra (tăng cường kiểm tra đột xuất) đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung; hình thành và phát triển chuỗi về nông nghiệp sạch, hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao trong kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào; tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm; chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo các chuyên đề trọng tâm và các sản phẩm có mối nguy ô nhiễm cao trên địa bàn.
Sau Lễ phát động, các đơn vị, ban, ngành, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên đã diễu hành, cổ động, tuyên truyền hưởng ứng "Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm" trên các tuyến phố của thị trấn Bắc Hà.