Khi bạn bè cùng trang lứa đang náo nức chờ đón ngày đầu tiên đi học, bước vào lớp Một, thì bé Huy Hoàng chỉ suốt ngày nằm co quắp, la hét và không thể tự mình đi lại được… bởi di chứng nhiễm chất độc màu da cam từ ông nội để lại.
![]() |
Cháu Huy Hoàng và bà nội. |
Qua lời giới thiệu của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, chúng tôi gặp 3 bà cháu của bé Vũ Trần Huy Hoàng (6 tuổi) và Vũ Trần Ngọc Ánh (10 tuổi) khi đang điều trị bệnh tại đây. Bà nội của 2 bé là Nguyễn Thị Sự và ông nội là Vũ Trần Ngọc Xuân, cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, hiện ở tổ dân phố Phú Long, thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng). Năm nay cả hai ông bà đều đã 75 tuổi.
Tâm sự về gia cảnh, bà Sự cho biết: Thời gian diễn ra Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chồng tôi lên đường nhập ngũ. Đất nước thống nhất, năm 1976, ông ấy phục viên và trở về quê hương. Trước khi tham gia kháng chiến, vợ chồng tôi đã có một cô con gái. Sau này, chúng tôi sinh thêm 2 con trai và 1 con gái, trong đó có bố của cháu Ánh và Hoàng là Vũ Trần Ngọc Anh, năm nay đã 39 tuổi. Cả gia đình tôi không ngờ di chứng chiến tranh vẫn để lại cho những đứa cháu nội đáng thương…
Mặc dù khi sinh ra, anh Vũ Trần Ngọc Anh vẫn khỏe mạnh, nhưng càng lớn, trí tuệ càng kém thông minh nên không theo học được, phải bỏ khi mới học hết lớp 5. Trong thời gian đi làm thêm, anh Ngọc Anh lập gia đình, sinh được bé Ngọc Ánh và Huy Hoàng. Mẹ Hoàng sau khi sinh con, thấy các con bị tàn tật đã bỏ nhà đi, để lại cho ông bà Xuân, Sự gánh nặng là 2 đứa cháu nội, khi ấy Hoàng mới 18 tháng tuổi…
Ngoài anh Ngọc Anh lành lặn, ông bà còn có cô con gái sinh năm 1978 bị mắc chứng ngớ ngẩn, bỏ nhà đi mất tích đã lâu, cậu con trai út sinh năm 1981 cũng bị di chứng, trí tuệ như một đứa trẻ, hiện ông bà vẫn phải phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Ở độ tuổi của ông bà bây giờ, lẽ ra có thể được nhìn con cháu yên bề gia thất, mạnh khỏe thì nay vẫn phải tựa vào nhau cùng gánh vác chăm con, chăm cháu bị tàn tật. Ông bà đã từng đưa bé Hoàng vào Bệnh viện Nhi Trung ương chữa trị những mong có một phép nhiệm màu giúp bé có thể đi lại được như chị gái, nhưng điều trị đến năm thứ 3, tiền đã cạn kiệt nên gia đình đành đưa cháu về nhà. Nhiều đêm, ông bà mất ngủ vì Hoàng cứ la hét suốt…
Bác sỹ Vũ Thị Kim Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Hiện tại, 2 cháu Ánh và Hoàng đang được điều trị phục hồi chức năng tại bệnh viện. Cháu Ánh điều trị chứng của trẻ chậm phát triển tinh thần, còn cháu Hoàng thì điều trị về thể chất do bị di chứng của chất độc màu da cam.
Qua tâm sự với bà nội của các bé, chúng tôi được biết hoàn cảnh gia đình bà hiện gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, mặc dù được Nhà nước và các tổ chức đoàn thể quan tâm, tạo điều kiện cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà, song với số tiền lương hưu của ông bà và trợ cấp dành cho người tàn tật do di chứng chất độc da cam của người con trai út, cháu nội… thì gia đình chỉ tạm trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu. Anh Vũ Trần Ngọc Anh hiện làm phụ hồ, công việc bấp bênh không ổn định, thu nhập thấp, trong khi sức khỏe ngày càng yếu. Bà Sự lo nhất là vợ chồng bà tuổi cũng đã cao, không còn đủ sức để chăm sóc con và các cháu. Nếu sau này ông bà không còn nữa thì chúng sẽ ra sao?...
Tận mắt chứng kiến cháu Hoàng nằm bên bà chân tay co quắp, miệng thỉnh thoảng lại la hét, mắt trợn lên, mồm méo xệch, chúng tôi không khỏi nhói lòng. Gia đình ông bà: Vũ Trần Ngọc Xuân và Nguyễn Thị Sự rất cần sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông bà Vũ Trần Ngọc Xuân và Nguyễn Thị Sự, tổ dân phố Phú Long, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.