Trong thời điểm mưa lũ, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên bị ngập úng nên ban lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng tổ chức sơ tán người bệnh, di chuyển trang - thiết bị. Tuy nhiên, một số thiết bị y tế như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp X-quang, máy thận nhân tạo, hệ thống lọc nước RO dùng cho máy thận nhân tạo và một số tài sản, thiết bị khác vẫn bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trạm y tế thị trấn Phố Ràng và các xã Việt Tiến, Tân Dương bị ngập hoàn toàn cơ số thuốc, vật tư y tế cấp phát bảo hiểm y tế. Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp rà soát, kiểm đếm số lượng hư hỏng, giá trị thiệt hại ước tính hơn 157 triệu đồng.
Đối với các tài sản, máy móc, thiết bị y tế chuyên dùng, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã liên hệ kỹ sư của hãng máy tiến hành kiểm tra và sửa chữa, mức độ thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng. Các tài sản, máy móc, thiết bị khác có tổng thiệt hại ước tính hơn 400 triệu đồng. Bệnh viện Đa khoa huyện đã đề nghị Sở Y tế, UBND huyện đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bệnh viện Đa khoa huyện tại cơ sở mới để giảm bớt kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp tại cơ sở cũ; UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ bệnh viện khắc phục thiệt hại.
Tại Trạm Y tế xã Việt Tiến, sau lũ, cán bộ của trạm tập trung dọn nhà trạm; lực lượng đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Lào Cai và người dân tích cực hỗ trợ trạm dọn bùn đất. Do mất điện, mất nước nên việc vệ sinh trạm gặp nhiều khó khăn, phải khắc phục bằng cách xách nước giếng, dùng máy bơm để bơm nước xịt rửa nhà trạm. Cán bộ y tế xã vừa khắc phục thiệt hại, đồng thời thực hiện việc cấp thuốc, phun khử khuẩn môi trường trên địa bàn xã.
Song song với khắc phục ảnh hưởng do mưa lũ, các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Bảo Yên tiếp tục thực hiện việc khám, cấp cứu người bệnh, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. Bác sỹ Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên cho biết: Từ ngày 8 đến ngày 21/9, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên đã tiếp nhận điều trị 1.522 lượt người và đang điều trị 20 trường hợp là nạn nhân mưa lũ.
Các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Bắc Hà cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là trạm y tế 5 xã: Bản Cái, Cốc Lầu, Nậm Khánh, Thải Giàng Phố và Tà Chải. Sạt lở cũng làm đất, đá tràn xuống khu vực bếp ăn, nhà xe, công trình vệ sinh ngoài trời, bể chứa nước, hỏng cửa kính tầng 1 nhà điều trị của Phòng khám Đa khoa khu vực Lùng Phình. Từ tháng 1/2024, để tu sửa, phòng khám đã hoạt động nhờ tại khu nhà 2 tầng của Trạm Y tế xã Lùng Phình nên không thiệt hại về trang - thiết bị y tế. Tuy nhiên, 2 cơ sở y tế nằm sát nhau, bởi vậy nguy cơ đất sạt từ trên đồi xuống cũng có thể ảnh hưởng đến Trạm Y tế xã.
Bác sỹ Lý Thị Hoa, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Lùng Phình bày tỏ: "Chúng tôi rất mong ngành y tế sớm có phương án khắc phục, đề phòng tiếp tục sạt lở".
Theo số liệu từ Sở Y tế, ngành y tế có 3 bệnh viện, 24 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực bị ngập úng, lún nứt tường nhà, đổ và trôi tường bao, hỏng hệ thống vệ sinh ngoài trời, sạt taluy đất vào tường nhà trạm... Hiện tại, 21 trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đã khắc phục và tổ chức khám, chữa bệnh trở lại. 3 trạm y tế xã Tân Dương, Phố Ràng, Việt Tiến (huyện Bảo Yên) bị ngập, đã tổ chức khắc phục nhưng các thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh bị hư hỏng nặng, chỉ tổ chức phát thuốc từ các nguồn hỗ trợ người dân. Ước tính thiệt hại về cơ sở vật chất của ngành y tế hơn 10 tỷ đồng và thiệt hại về trang - thiết bị y tế hơn 2 tỷ đồng.
Trước những khó khăn, ngành y tế tỉnh Lào Cai đã nhận được hỗ trợ của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, như Tổ chức WHO, Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Trà Vinh và một số đơn vị như Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai, Tập đoàn FPT Long Châu... ủng hộ và hỗ trợ một số thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, hóa chất (3 máy phát điện, 3 máy phun khử khuẩn đeo vai, hơn 4.000 túi thuốc gia đình, Cloramin B, phèn chua...).
Ngành y tế đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, tổng hợp những ảnh hưởng tại tất cả các đơn vị y tế để sớm có phương án khắc phục, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cũng như an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế và người dân.