Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã triển khai kiểm tra toàn diện, ban hành nhiều quyết định và kế hoạch cụ thể nhằm rà soát, theo dõi việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc. Qua đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh kịp thời nắm được khó khăn và đưa ra giải pháp điều chỉnh nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ, chất lượng thi hành án. Công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đã được đẩy mạnh, qua đó giải quyết hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp, góp phần duy trì ổn định chính trị và an ninh, trật tự tại địa phương. Cùng với đó, ngày 28/8/2024, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tham mưu Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Chỉ thị 49-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, để giải quyết hiệu quả án khó, án tồn, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã chỉ đạo chi cục thi hành án dân sự các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, phân loại án. Trong đó, căn cứ danh sách đối tượng phải thi hành án theo từng xã, phường, thị trấn, các chấp hành viên lập danh sách án còn phải thi hành ở từng nơi và phối hợp với chính quyền địa phương cùng tuyên truyền, thuyết phục đối tượng thực hiện nghĩa vụ của mình. Đối với những án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, cơ quan chức năng kịp thời phối hợp với các ngân hàng để làm việc với bên phải thi hành án, động viên, thuyết phục, đồng thời đưa ra điều kiện thích hợp để đương sự tự nguyện thi hành. Nếu cố ý trốn tránh sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản.
Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, như đổi mới phương thức quản lý, điều hành theo hướng sâu sát, đồng hành, kế hoạch hóa; phân công nhiệm vụ bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả và rõ trách nhiệm.

Song song với đó, cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các chấp hành viên; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án; làm tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại đơn vị nhằm giám sát tiến độ tổ chức thi hành án và kịp thời phát hiện các sai phạm để xử lý, qua đó góp phần nâng cao chất lượng thi hành án.
Kết quả năm 2024, trong 3.918 việc có điều kiện thi hành đã thi hành xong 3.569 việc; trong hơn 593 tỷ đồng có điều kiện thi hành đã thi hành xong hơn 484,6 tỷ đồng, đạt 91,09% về việc và 81,73% về tiền, vượt 7,4% về việc và vượt 34,8% về tiền so với chỉ tiêu được Tổng cục Thi hành án dân sự giao (xếp hạng thứ năm về việc và thứ nhất về tiền trong 63 tỉnh, thành phố).
Đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, số phải thi hành trong năm là 3.085 việc, với số tiền hơn 234,8 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã thi hành xong 2.627 việc, với số tiền hơn 213,1 tỷ đồng, đạt 92,79% về việc và 96,55% về tiền. Đối với thi hành án về tham nhũng, đã thi hành xong 84/115 việc có điều kiện thi hành, với số tiền 200,5 tỷ đồng/202,5 tỷ đồng, đạt 73,04% về việc và 98,93% về tiền...

Với những kết quả đạt được trong năm 2024, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đang từng bước khẳng định vai trò chủ đạo trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Thời gian tới, các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp tập trung nguồn lực để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là các vụ việc có giá trị lớn, liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các vụ việc thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các vụ việc có điều kiện thi hành tồn đọng từ 1 năm trở lên chưa thi hành dứt điểm.