LCĐT - Ngày chuẩn bị vào lớp 1, lòng tôi vui lắm. Không hiểu sao khi ấy tôi thích được đến trường đến thế. Trước khi vào lớp 1, bố tôi đạp xe đạp xuống thị trấn mua cho tôi một bộ sách giáo khoa gồm một quyển Tiếng Việt và một quyển sách Toán kèm theo bốn chiếc vở ô li để viết. Thế rồi, bố tận dụng tấm gỗ làm bàn còn thừa mang ra thợ mộc nhờ họ cắt gọt, mài giũa, kẻ các ô vuông đều nhau. Trông chiếc bảng chẳng khác chiếc bảng đen mua ngoài chợ là bao nhiêu chỉ có một điểm khác là bảng bố tôi làm có màu gỗ hơi ngả vàng và khá nặng. Cũng muốn có một chiếc bảng đen xịn như các bạn lắm chứ, nhưng tôi không dám đòi! Hai quyển sách Toán và Tiếng Việt cùng với bốn chiếc vở được bố tôi bọc bìa cẩn thận. Duy chỉ có cuốn Toán được bọc bằng giấy báo Nhân dân, còn lại phải bọc bằng giấy bìa lót phía trong bao xi măng.
Sau khi bọc bìa xong, bố tôi xếp ngay ngắn các quyển sách, quyển vở và chiếc bảng tự chế sang một bên, bắt đầu làm nhãn vỡ. Tận dụng giấy học thừa của anh trai năm học trước bố căn theo một hình chữ nhật với chiều dài tầm 10 cm và chiều rộng 5 cm. Bố tôi là một người cẩn thận và khá cầu toàn, do vậy, mỗi khi làm chiếc nhãn nào không ưng ý, ông lại hủy và làm lại cái khác. Hàng chữ đầu tiên mặc dù đã ưng ý, nhưng hàng chữ thứ hai nếu có xiên vẹo một chút là bố làm cái khác ngay. Cứ ngỡ viết một chiếc nhãn vở với ít dòng thông tin như tên trường, lớp, họ tên, loại vở và năm học sẽ nhanh chóng và dễ dàng nhưng quả thật là cũng mất khá nhiều thời gian. Tính ra bố phải mất hai buổi trưa liền không ngủ để làm. Mỗi chữ cái đầu như tên họ, tên đệm và tên riêng bố tôi viết cách điệu rất đẹp. Mẹ tôi hài hước đùa rằng, giá như ngày xưa nhà nội có điều kiện thì bố bây giờ thành thầy giáo trường làng chứ chẳng chơi. Bố tôi cười một tràng rất lớn, trong lòng sảng khoái lắm.
Ở trong lớp, rất ít người được bố mẹ làm nhãn vở như bố tôi đã làm cho tôi. Vì thế, những quyển sách, chiếc vở của tôi trở nên đặc biệt, khác lạ thường. Sang những năm lớp 2, lớp 3, lớp 4, mỗi năm chiếc nhãn vở một khác. Đó không đơn thuần là chiếc nhãn vở hình chữ nhật có thông tin, trường lớp, họ tên thông thường nữa mà xung quanh những thông tin đó, bố trang trí rất đẹp. Chiếc thì bố vẽ thêm chiếc lá, chiếc thì vẽ thêm bông hoa, một vài chú kiến nho nhỏ. Suốt mấy năm liền học tiểu học, bộ vở của tôi được chấm với giải đặc biệt trong cuộc thi “Vở sạch chữ đẹp” cấp trường và cấp huyện. Một phần công lớn cũng nằm ở những chiếc nhãn vở của bố tôi chứ đâu.
Tôi được bố làm nhãn vở mãi đến tận năm lớp 10. Những quyển sách giáo khoa, những quyển vở viết tuy không phải bọc bằng bao bọc xi măng nữa nhưng vẫn hiện diện sản phẩm của bố là những chiếc nhãn vở. Đó là thương hiệu mang tên bố tôi, cho dù có những người bạn tỏ vẻ không thích, thẳng thừng chê tôi cỡ nào tôi cũng không thể bỏ.
Tôi trưởng thành lớn lên cùng với những hiểu biết nhất định. Mỗi chiếc nhãn vở bố làm đã dạy cho tôi rất nhiều bài học khác nhau. Đó không đơn thuần là tình yêu thương, sự chăm sóc của bố dành cho những đứa con mà còn là bài học tiết kiệm khi điều kiện chưa cho phép hoang phí. Là sự cẩn thận, tỉ mỉ, đức tính nên có để mang theo cùng hành trang vào đời. Và hơn hết tôi thấy rằng sự trưởng thành, lớn lên của tôi không hề đơn độc vì có gia đình cạnh bên lo lắng.
Hôm lâu, tôi có dịp về quê và tranh thủ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa. Lúc dọn nhà kho, tôi đã dường như mít ướt khi thấy lại cuốn tập vở làm văn lớp 4, chiếc nhãn vở có lẽ đặc biệt nhất. Dòng chữ “Bố mẹ yêu con” được bố viết ngay ngắn, be bé ở phía dưới góc của chiếc nhãn vở đã làm tim tôi thắt nghẹn. Tôi biết mình đang hạnh phúc với đủ đầy yêu thương gia đình thân quý!