Nhiều trẻ phải đi khám mắt sau thời gian học online kéo dài

Trẻ phải sử dụng các thiết bị điện tử để phục vụ việc học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dẫn đến nhiều trẻ bị các vấn đề về mắt, đặc biệt là tật khúc xạ.

Anh Nguyễn Duy Cường, ở Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội vừa đưa cậu con trai 9 tuổi đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để thăm khám. Anh Cường chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bé Nguyễn Duy Trương phải học online trên điện thoại. Bên cạnh đó, ngoài giờ học cháu còn sử dụng điện thoại để chơi game nên mắt bị kém dần. Khi đi học lại ở trường, cô giáo cho ngồi cuối bàn thì cháu nhìn không rõ.

“Biết được tình trạng của cháu, gia đình tôi đã đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra”- anh Cường nói.

Nhiều trẻ phải đi khám mắt sau thời gian học online kéo dài ảnh 1
Trẻ đến khám tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Còn anh Nguyễn Việt Dũng, ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, trước đây thị lực của con gái anh (học lớp 5) rất tốt. Nhưng sau một thời gian học online tương đối nhiều, cháu bé thường xuyên học trên máy tính dẫn đến mắt nhìn càng ngày càng kém nên gia đình sốt ruột đưa bé đi khám.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, BSCKI Nguyễn Thị Thúy Nga, Khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, sau hơn 1 năm học online kéo dài, tỷ lệ trẻ đến bệnh viện khám tật khúc xạ tăng cao. Hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân tới khám các bệnh lý về mắt, trong đó tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ là khoảng trên 50%.

Theo bác sĩ Nga, việc học trực tuyến trong bối cảnh đại dịch là một việc cần thiết để học sinh, sinh viên không gián đoạn học tập, tuy nhiên cần sử dụng các thiết bị điện tử hợp lý. Khi trẻ phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc dùng điện thoại trong thời gian dài và liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ như rối loạn điều tiết (nhức mắt, căng tức mắt, mỏi mắt có thể kèm nhức đầu), khô mắt, triệu chứng thị giác (nhìn mờ, nhìn đôi).

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, hiện nay tật khúc xạ ở học sinh các bậc học ngày càng tăng. Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành về thực trạng trẻ bị cận thị tại 4 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Hà Tĩnh và Cần Thơ cho thấy, tỷ lệ trẻ bị cận thị là 32,8%, viễn thị 0,1% và loạn thị 0,7%. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ bị cận thị ở thành phố cao gần gấp đôi so với trẻ em sống ở khu vực nông thôn.

Còn theo một thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện tật khúc xạ chiếm tỷ lệ 20-30%, tập trung ở đô thị. Tật khúc xạ về mắt gồm: cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị chiếm đa số.

BS Nguyễn Thị Thúy Nga cho rằng, để bảo vệ, chăm sóc mắt của con tốt hơn trong thời buổi công nghệ số, cha mẹ nên quan tâm hơn đến trẻ. Theo nhiều nghiên cứu, trẻ nhỏ chỉ nên sử dụng các thiết bị điện tử trong khoảng 30 phút, sau đó trẻ cần được nghỉ ngơi, cho trẻ nghỉ mắt từ 5-10 phút, nhắc trẻ nhìn xa. Đồng thời luôn nhớ quy tắc 20 - 20 - 20 (20 phút làm việc với máy tính - nhìn ra xa 20 feet là cỡ 6m trong 20 giây).

Với trẻ bị tật khúc xạ, cần phải đeo kính thường xuyên và khám định kỳ để hạn chế việc tăng số kính ở trẻ.

“Đối với mắt, cha mẹ nên quan tâm đến việc chăm sóc mắt cho trẻ, bổ sung cho trẻ đầy đủ dưỡng chất và có thể bổ sung các thực phẩm vitamin A, thực phẩm có màu cam như cà rốt, gấc nhưng phải chú ý dùng theo chỉ dẫn, tránh dùng hàm lượng vitamin A quá cao sẽ dẫn đến ngộ độc”- BS Nga khuyến cáo.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt mạng lưới khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số trong cộng đồng sinh viên

Ra mắt mạng lưới khởi nghiệp gắn với chuyển đổi số trong cộng đồng sinh viên

Trong 2 ngày 13 và 14/4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Mạng lưới các câu lạc bộ Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số miền nam (Hub Network HCMC) phối hợp Câu lạc bộ Khởi nghiệp Đại học Tôn Đức Thắng (SC TDTU) tổ chức chương trình Hub Forum, với chủ đề “Leading in Emerging Techs”. 

Liên thông Sổ sức khỏe điện tử với VNEID: Cần thống nhất quy chế phối hợp 3 bên

Liên thông Sổ sức khỏe điện tử với VNEID: Cần thống nhất quy chế phối hợp 3 bên

Triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06), Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và C06-Bộ Công an đã phối hợp để tích hợp hồ sơ y tế vào Sổ sức khỏe điện tử cá nhân và liên thông dữ liệu với ứng dụng VNEID.

Sổ tay Hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ

Sổ tay Hướng dẫn bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông gửi tới các cơ quan, đơn vị, địa phương tài liệu: Sổ tay Hướng dẫn tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (Phiên bản 1.0).

fb yt zl tw