Những tác động từ trong và ngoài nước khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn và một số doanh nghiệp chưa có phương án mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc thiếu điều kiện nên chưa có nhu cầu vay. Một số khách hàng suy giảm dòng tiền, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, nợ xấu có xu hướng gia tăng nhẹ.
Hoạt động xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn do chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc nên giá trị xuất - nhập khẩu không đạt như kỳ vọng, dẫn đến kết quả thanh toán xuất - nhập khẩu hàng hóa qua ngân hàng cũng giảm so với năm trước.
Bên cạnh đó, thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, cực đoan đã ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực vùng cao, trong đó có nhiều khách hàng đang vay vốn ngân hàng.
Trước những khó khăn trên, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã quán triệt triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về “chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” và các nghị quyết Chính phủ, chỉ thị của ngành và UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã xây dựng chương trình hành động để tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trên địa bàn, là căn cứ để các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng xây dựng kế hoạch kinh doanh cụ thể.
Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân để xác định nhu cầu vốn tín dụng, từ đó chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tập trung ưu tiên vốn.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng (như chương trình hỗ trợ lãi suất, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay…) đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào sản xuất và nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng, từ đó khách hàng có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng nhu cầu vay vốn.
Ông Trương Thanh Xuân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Chi nhánh đã chỉ đạo các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân triển khai 7 giải pháp trọng tâm. Đó là tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; nghiên cứu đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản hóa nhưng đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; chủ động trao đổi với khách hàng để hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể, đảm bảo khách hàng đủ điều kiện và có nhu cầu đều được vay vốn; công khai thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ, các nội dung cắt giảm để người dân, doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt; đẩy mạnh công tác truyền thông về các chương trình, cơ chế, chính sách, sản phẩm tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.
Với những giải pháp được triển khai như trên, năm 2023, hoạt động ngân hàng Lào Cai tiếp tục phát triển, tăng trưởng ổn định, an toàn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dư nợ đến hết năm 2023 đạt 55.200 tỷ đồng, tăng 11,12% so với thời điểm 31/12/2022; đầu tư tăng thêm cho nền kinh tế địa phương hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 14,5% so với kế hoạch tăng trưởng của năm 2023.
“Trong điều kiện sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng dư nợ cao hơn năm trước cho thấy sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai”, ông Trương Thanh Xuân khẳng định.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu tăng trưởng: Đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn đạt 69.000 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm 31/12/2023, trong đó nguồn vốn huy động tại địa bàn đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 10%, chiếm 72% tổng nguồn vốn; doanh số cho vay đạt 102.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023; doanh số thu nợ năm 2024 đạt 96.500 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 60.700 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm 31/12/2023, đầu tư tăng thêm của ngành ngân hàng cho nền kinh tế hơn 5.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại dưới 3% so với tổng dư nợ…