Nhật Bản và Hàn Quốc “phá băng” quan hệ

Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang nồng ấm trở lại sau khi những động thái cho thấy Tokyo và Seoul đang nỗ lực xích lại gần nhau, được kỳ vọng đóng góp vào hòa bình và ổn định ở khu vực...

Theo Yonhap, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/3 xác nhận Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 16 đến 17/3 theo lời mời của Tokyo. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc kỳ vọng chuyến thăm lần này là bước ngoặt quan trọng giúp nối lại giao lưu song phương bình thường sau 12 năm bị gián đoạn, cải thiện và phát triển quan hệ Hàn-Nhật.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ thăm Nhật Bản và có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ông Matsuno cho biết hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận những vấn đề mới liên quan đến quan hệ hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng cần phải hợp tác nhằm cùng giải quyết nhiều vấn đề quốc tế, hy vọng quan hệ hai nước sẽ phát triển hơn trong thời gian tới.

Nhật Bản và Hàn Quốc “phá băng” quan hệ
 Tổng thống Yoon Suk-yeol (bên trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc gặp bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc  ở New York ngày 21/9/2022. 

Chuyến thăm Tokyo lần này của Tổng thống Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ mở rộng hợp tác ở các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội, thúc đẩy giao lưu giữa người dân hai nước, nhằm vượt lên trên quá khứ bất hạnh giữa hai nước, hướng tới tương lai, vì hòa bình, thịnh vượng chung của hai nước và khu vực cũng như thế giới. Dự kiến, hai bên sẽ tập trung vào các giải pháp cải thiện quan hệ cũng như giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Seoul công bố kế hoạch chấm dứt tranh cãi hiện nay về vấn đề lao động thời chiến với Nhật Bản, cho thấy thiện chí thúc đẩy mối quan hệ tích cực của Seoul với Tokyo. Theo đó, Seoul quyết định bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị bị cưỡng ép làm việc cho các công ty Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Quá trình bồi thường sẽ được thực hiện thông qua một quỹ do các doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ, thay vì chờ các công ty Nhật Bản thực thi theo phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018. 

Ngày 9/3, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã bảo vệ giải pháp của chính phủ nước này đối với tranh cãi về vấn đề lao động thời chiến với Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh quyết định này nhằm thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa Seoul và Tokyo. Giới phân tích nhận định động thái này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Hàn Quốc nhằm cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản trong bối cảnh bất ổn an ninh ngày càng gia tăng.

Theo Thủ tướng Han Duck-soo, giải pháp của Chính phủ Hàn Quốc được đưa ra sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đưa quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản hướng tới tương lai, đồng thời nhanh chóng xoa dịu nỗi đau mà các nạn nhân bị cưỡng ép lao động trong thời chiến phải chịu đựng một thời gian dài. Thủ tướng Han Duck-soo cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường nỗ lực nhằm khôi phục thương mại và hợp tác với Nhật Bản. Thủ tướng Han Duck-soo cũng khẳng định Nhật Bản có thể đóng vai trò đối tác quan trọng trong việc giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế, an ninh, khoa học và công nghệ, cũng như các cuộc khủng hoảng khí hậu.

Thời gian gần đây, phía Hàn Quốc có những động thái tích cực nhằm cải thiện quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản. Trước đó, Hàn Quốc cũng dừng việc khiếu nại Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới liên quan các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với các vật liệu sử dụng cho công nghệ cao. Những động thái tích cực từ phía Hàn Quốc nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của Chính phủ Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đánh giá cao việc Hàn Quốc đưa ra giải pháp mới nhằm tháo gỡ bất đồng giữa hai bên trong vấn đề đền bù cho lao động cưỡng bức thời chiến và cho đây sẽ là động lực giúp mở rộng các hoạt động trao đổi giữa hai nước trong các lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa...

Việc “phá băng” quan hệ Nhật-Hàn không chỉ mở ra kỳ vọng cải thiện quan hệ song phương mà còn góp phần củng cố quan hệ đối tác an ninh 3 bên Hàn-Mỹ-Nhật.

Báo Quân đội Nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

Đạt thành tựu tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường vị thế trên trường quốc tế, song Ấn Độ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Ấn Độ được đánh giá có vai trò định hướng sự phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới, ít nhất trong 5 năm tới.

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Hàn Quốc: Lãnh đạo đảng cầm quyền và Thủ tướng đệ đơn từ chức

Hàn Quốc: Lãnh đạo đảng cầm quyền và Thủ tướng đệ đơn từ chức

Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon ngày 11/4 đã tuyên bố từ chức để chịu trách nhiệm về thất bại nặng nề của đảng PPP trong cuộc tổng tuyển cử trước đó một ngày. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cũng đệ đơn từ chức trong cuộc họp nội các sáng cùng ngày.

fb yt zl tw