LCĐT - Sau những ngày mưa dầm ướt đẫm mảnh đất biên giới Lào Cai, nắng bừng lên rực rỡ, tôi hăm hở ngược dốc lên Mường Khương thăm nhà thơ “Con trai người Pa Dí” - Pờ Sảo Mìn. Lâu không gặp ông, tôi vẫn nhớ hình ảnh nhà thơ với gương mặt nhàu nếp nhăn, đi đâu cũng mang theo bình rượu ngô nhỏ của quê núi mời bạn. Ông sống vô tư, khẳng khái, thẳng thắn như cây thông rừng. Thơ ông cũng vậy, mộc mạc và giản dị như đá tai mèo, như chính con người ông.
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn. |
Từ đường lớn qua trung tâm thị trấn Mường Khương, tôi rẽ vào đường bê tông nhỏ, nơi có ngôi nhà xây cổ luôn mở rộng cửa nhìn ra ao cá, vườn rau mướt xanh. Nơi đây như một thế giới thu nhỏ tách biệt với phố xá ồn ào. Trong khi mấy thanh niên đang câu cá ngoài ao, một ông lão đang ngồi lặng lẽ thái măng, ấy là nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Năm nay ngoài 70 tuổi, nhà thơ Pờ Sảo Mìn vẫn khỏe mạnh, nhưng tóc đã bạc nhiều, đôi mắt cũng không còn tinh tường. Hỏi về chuyện thơ văn, nhà thơ chia sẻ: Ngoài những tập thơ được nhiều bạn đọc biết đến như “Cây hai ngàn lá”, “Con trai người Pa Dí”, “Bài ca đẹp nhất trần gian”, “Mắt lửa”… năm 2018 tôi in tập thơ “Mủa say say” bằng chữ song ngữ Việt - Thái.
“Mủa say say” tiếng Mông nghĩa là “Đi nhanh nhanh” gồm 28 bài thơ, trong đó có những bài được nhà thơ Pờ Sảo Mìn viết từ những năm 1970 đến 1990 nhưng chưa in ở đâu, có những bài mới sáng tác. Trong đó, bài thơ “Mủa say say” có những câu thơ như lời giục giã đồng bào vùng cao nói riêng, người dân Việt Nam nói chung hãy đi nhanh nhanh để bắt kịp với thời đại, để đổi thay cuộc sống. Những câu từ dung dị nhưng ẩn chứa tình yêu tha thiết của nhà thơ với đất nước, trách nhiệm với dân tộc:
“Mủa say say
Đi phải đi nhanh nữa
Ăn thì ăn từ từ
Uống thì uống chậm thôi
Cày nương phải cày nhanh
Cho kịp mùa gieo hạt
Xuống ruộng xuống nhanh nữa
Cho kịp bừa ruộng lúa
Kẻo chậm thì mất mùa
Đời mãi đói nghèo thôi”
Trong tập thơ “Mủa say say” có nhiều bài thơ viết về tình yêu như Đến bây giờ em có còn yêu tôi nữa không?; Lẽ nào tôi đã yêu; Thị trấn đôi ta; Một đêm xuân…Những bài thơ viết về tình bạn với nhiều kỷ niệm đáng nhớ như Người trẻ mãi không già; Hát về Quảng Ninh; Nhớ mùa tuyết rơi…Nhưng xúc động hơn cả là bài thơ “Người trẻ mãi không già” - một nén tâm hương với nhà báo - nhà văn liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết.
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn tâm sự: Anh Bùi Nguyên Khiết với tôi còn hơn cả một người bạn, từng ăn chung mâm, ngủ chung nhà. Anh là nhà báo tài năng, cũng là người khái tính, nhưng sống với bạn bè thẳng thắn, chân thành nên ai cũng yêu quý. Ngày đó, tôi làm công tác biên tập ở Tạp chí Hoàng Liên Sơn. Trước khi lên Tả Ngải Chồ chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, Bùi Nguyên Khiết đã vào nhà tôi ăn cơm, uống rượu. Không ngờ đó cũng là lần anh mãi mãi xa tôi, thật đau xót biết bao!
“Khiết ơi! Vẫn còn đây! Vẫn còn tất cả!
Anh chúng mình, nhà văn Ma Văn Kháng
Bây giờ đã yếu già
Và tôi đây, một nhà thơ khờ dại
Họ là Pờ tên Minh
Một thời Khiết đã mượn tên mình
Bút ký “Hồ Kiều làm chứng”
Tác giả: Bạch Thiếu Minh”
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn đọc lại từng dòng thơ, giọng ông rưng rưng, ánh mắt nhòe đi. 7 khổ thơ với 66 dòng thơ như dòng nước mắt khóc thương người tri kỷ. Những câu thơ như muốn dài mãi ra, như kỷ niệm kể mãi không hết cứ ùa về trong nỗi nhớ. Ông nhắc lại tên những tác phẩm bút ký, thơ, văn của người bạn mà ông đã đọc và cả tác phẩm nhà báo Bùi Nguyên Khiết chưa kịp viết:
“Vẫn còn nữa! Vẫn còn đây
Chiều chiều ra bờ ven sông Chảy
Ta đọc lại: “Đi bên một vì sao”
Ta đọc lại: “Đêm trăng trên bến mũi thuyền”
Ta đọc lại: “Ông già bắt rắn và đứa cháu xa quê”
Và đọc nữa: “Hồ Kiều làm chứng”
Ta chưa được đọc tiểu thuyết:
“Mặt trời hồng trên đất Pha Long”
Khiết đã hy sinh rồi!”
Chia sẻ thêm về tập thơ “Mủa say say”, nhà thơ Pờ Sảo Mìn bảo, cùng với bài “Mủa say say”, “Người trẻ mãi không già”, tôi còn dành nhiều tâm huyết cho bài thơ “Bản hòa tấu của bầy chim di trú”. Đó là bài thơ tôi viết trong lần tham gia trại sáng tác văn học tại Buôn Ma Thuột, cùng đi với người bạn công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu vào thăm nông trường cà phê, hồ tiêu, bản làng người dân tộc thiểu số. Đó là bài ca về tình đoàn kết, gắn bó của các dân tộc Việt Nam, của niềm tự hào dân tộc.
“Hôm nay non sông liền dải
Trên rừng già Đắk Lắk, Đắk Nông
Gia Lai, Lâm Đồng
Cứ mỗi chiều…
Có bầy chim di trú
Hót gọi nhau về tổ
Bản người Thái, người Mường
Bản người Nùng, người Giáy
Miền Việt Bắc, Tây Bắc
Mời gọi nhau gặp gỡ Tây Nguyên
Cả tiếng cồng, tiếng chiêng
Người Ê Đê, Ba Na, Mơ Nông ngân dài
Theo dòng sông mẹ Sêrêpốc
Khúc êm đềm, khúc thác cười vang”
Đọc tập thơ “Mủa say say” của nhà thơ người Pa Dí, tôi cảm nhận tự sự của nhà thơ về cuộc sống, với nhiều chủ đề: tình bạn, tình yêu tuổi già, vẻ đẹp quê hương, suy ngẫm về con người và thời đại… Ở tuổi ngoài thất thập, nhà thơ Pờ Sảo Mìn sống lặng lẽ và chiêm nghiệm về cuộc sống, cuộc đời qua những lời thơ chắt chiu từ gan ruột.
Ông nhìn tôi, nâng chén rượu ngô, ánh mắt trầm ngâm, nụ cười hằn in những nếp nhăn trên gương mặt suy tư: “Tôi còn một tập thơ nữa nhưng chưa có điều kiện để in. Giờ mình già rồi, cũng không mong muốn gì nhiều hơn nữa. Bạn bè lên chơi thì cùng uống rượu, câu cá, đọc thơ. Sống đến tuổi này mới thấy tất cả rồi cũng chỉ là phù du thôi. Cái còn lại là tình cảm chân thành với nhau, bạn ạ!”.