Gia tăng trẻ đi khám mắt trước khi vào năm học mới
Gần đây, số lượng trẻ đến khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông gia tăng đáng kể. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trung bình 1 ngày, đơn vị tiếp nhận từ 15-20 trẻ tới thăm khám vì mắc tật khúc xạ như cận, loạn thị. Con số này tăng từ 4-5 lần so với thời điểm trong năm học.
Tỷ lệ cận thị học đường luôn chiếm tỷ trọng cao từ 20 - 40% ở thành thị và 10 - 20% ở nông thôn. Việc khám mắt cho trẻ trước thềm năm học mới giúp phát hiện kịp thời các bệnh về mắt, đảm bảo một đôi mắt khoẻ giúp con có trải nghiệm thị giác tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong học tập.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ hè, trẻ được tự do chơi các thiết bị điện tử, xem điện thoại, tivi với thời gian dài dễ dẫn tới tình trạng mỏi mắt, khô mắt, hoặc mắc các bệnh về mắt, tăng độ cận nhanh…
“Việc tăng độ cận mất kiểm soát đi kèm với nhiều biến chứng suy giảm thị lực nghiêm trọng. Điển hình như với bệnh nhân cận thị cao trên 6 đi-ốp có nguy cơ bị đục thủy tinh thể gấp 5 lần người bệnh cận thị thấp (từ 1-3 đi-ốp).
Người bị cận thị cao cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh thiên đầu thống gấp 14 lần người có độ cận thị thấp; nguy cơ bong rách võng mạc gấp 22 lần người cận thị thấp; thoái hóa hoàng điểm cận thị cao gấp 41 lần người bệnh cận thị thấp. Không chỉ vậy, người cận thị nặng vẫn có nguy cơ tăng độ cận theo độ tuổi” - bác sĩ Thủy cảnh bảo.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Bá Trung, khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tượng này do thói quen và các hoạt động kém lành mạnh như đọc sách, truyện trong môi trường thiếu ánh sáng hay với cự ly gần trong thời gian dài, chơi game trên điện thoại, trên máy vi tính; xem tivi… quá nhiều khiến mắt trẻ phải điều tiết liên tục, gây mệt mỏi, đau và nhức mắt.
Thực tế, ngay cả khi không dùng các thiết bị di động thì việc ở trong không gian hẹp quá lâu với tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực không còn như trước. Trong khi, ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất bên ngoài đóng một vai trò đối với tình trạng sức khỏe của mắt.
Đặc biệt là trẻ từ 7 - 9 tuổi và 12 - 14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì mải chơi sẽ dễ gây ra cận thị.
Ngoài ra, trẻ xem ti vi quá gần, nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti vi nhỏ hơn 3m thì sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều.
Cùng với cận thị, bác sĩ cũng cho hay, nhiều trường hợp "mỏi mắt kỹ thuật số" ở trẻ em. Các triệu chứng gồm mờ mắt, nhức đầu và mỏi mắt, mắt thiếu linh hoạt.
Nhiều trẻ cũng bị chảy nước mắt, nóng rát, dụi mắt thường xuyên hơn, khô và cảm giác có dị vật trong mắt. Các triệu chứng thường giảm dần sau vài giờ, nhưng hiện y khoa chưa nghiên cứu rõ liệu có hậu quả lâu dài hơn hay không.
Bảo vệ mắt cho trẻ
Trước thực tế trên, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh - khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, để kiểm soát cận thị, cha mẹ cần ngăn chặn sự tiến triển của cận thị, bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng gây mất thị lực trầm trọng.
Bằng cách cha mẹ cần tăng thời gian hoạt động ngoài trời ở trẻ. Gia đình khuyến khích trẻ dành nhiều thời gian vui chơi ngoài trời, ít nhất 80-120 phút mỗi ngày.
So với các biện pháp khác, dành thời gian hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời là phương pháp an toàn nhất và phù hợp với các khuyến cáo y tế hiện có khác, như: phòng, chống béo phì, thúc đẩy lối sống lành mạnh hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thủy, cha mẹ nên cho con đi khám mắt định kỳ theo độ tuổi, vì có một số nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh bẩm sinh về mắt… Trẻ nhỏ dù gặp khó khăn trong vấn đề tầm nhìn nhưng thường không biết mô tả để người lớn đưa đi khám mắt.
Vì vậy, trẻ nhỏ nên được khám mắt lần đầu khi được 6 tháng tuổi, sau đó nên khám định kỳ vào lúc 3 tuổi, 6 tuổi trước khi đi học và mỗi năm học mới. Riêng với trẻ phải đeo kính nên thăm khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
Với trẻ dưới 3 tuổi, khám mắt giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt phổ biến như tật khúc xạ, bệnh lác (lé), giảm thị lực (nhược thị). Khám mắt cho trẻ cũng giúp loại trừ các bệnh hiếm gặp hơn như đục thủy tinh thể bẩm sinh và u nguyên bào võng mạc (khối u mắt).
Với trẻ 6 tuổi, cha mẹ nên cho trẻ khám mắt tổng thể giúp phát hiện sớm các tật khúc xạ ở mắt (nếu có), hạn chế tình trạng cận thị học đường, đồng thời nên duy trì định kỳ 6 tháng/lần.
Cũng theo các chuyên gia y tế, khám mắt định kỳ cho trẻ không mất quá nhiều thời gian, cha mẹ hình thành thói quen khám mắt định kỳ cho trẻ để đảm bảo cho con một đôi mắt sáng và khoẻ mạnh.
Trường hợp phát hiện mắt trẻ phản xạ kém, có đốm trắng đục bất thường, thường xuyên nheo mắt, dụi mắt, đứng nhìn gần, cúi sát mặt vào sách vở… cần thiết cho trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.