Nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ 3 do xung đột Nga - Ukraine

Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực giữ cho xung đột Nga - Ukraine trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, cuộc xung đột này vẫn đang hướng tới bờ vực một cuộc Chiến tranh thế giới 3 và khó lường.

Oleksiy Danilov - Thư ký Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine mới đây cảnh báo những người tham dự Diễn đàn An ninh Kiev rằng “Chiến tranh thế giới thứ 3 đã thực sự diễn ra”.

Xe tăng đưa ra chiến trường Ukraine.

Chiến sự còn kéo dài với nhiều thương vong

Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022. Trong các tuần đầu tiên, dường như quân Nga sẽ dễ dàng đè bẹp lực lượng Ukraine trong một cuộc tấn công kiểu chớp nhoáng. Nhưng dự đoán này đã không chính xác. Lúc đó quân đội Nga chưa được chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ này, thiết bị của họ cũng tỏ ra kém hiệu quả.

Đến cuối mùa Xuân năm 2022, một bộ phận phương Tây dự báo rằng Nga sẽ suy sụp do hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng những ai dự báo về thảm họa kinh tế Nga đã không rút được bài học từ các lệnh trừng phạt cũng của phương Tây nhằm vào Triều Tiên và Iran - hai nước này còn nhỏ hơn cả Nga nhưng vẫn vượt qua được các lệnh trừng phạt hà khắc áp đặt lên họ trong nhiều năm trời. Các lệnh trừng phạt đó tất nhiên có gây thiệt hại cho nền kinh tế của các nước này nhưng đã căn bản không làm thay đổi được bản chất chế độ chính trị tại các nước đó.

Ngày nay, Ukraine và Nga có lẽ đang lâm vào một cuộc xung đột quân sự kiểu chiến hào giống như trong Chiến tranh thế giới thứ nhất mà tại đó hai phe hứng chịu thương vong lớn mà không giành thêm được lãnh thổ đáng kể hoặc thành quả chiến lược nào. Có lẽ tình trạng bế tắc này ngày càng có khả năng sẽ kéo dài nhiều năm nữa. Có nhiều lý do thực tế cho nhận định này.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy cả Nga và Ukraine đều không sở hữu đủ năng lực quân sự để đánh dứt điểm đối phương. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tối cao của hai nước cũng khó lòng rút khỏi cuộc xung đột. Họ đều đứng trước áp lực phải giành chiến thắng.

Một số nhà báo phương Tây dự báo rằng với mức độ tàn khốc của xung đột và thiệt hại to lớn do các lệnh trừng phạt, nước Nga sẽ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị, còn Tổng thống Putin sẽ mất sự ủng hộ từ quần chúng. Nhưng nhận định này cũng không có cơ sở vững chắc. Lịch sử nước Nga đã chỉ rõ, quốc gia này có thể trải qua nhiều gian khó và thử thách to lớn tưởng chừng khó vượt qua, nhưng ban lãnh đạo của họ vẫn trụ vững, như trong Thế chiến II chẳng hạn. Thời đó, phát xít Đức phát động Chiến dịch Barbarossa vào năm 1941, tung ra những đòn đánh khủng khiếp khiến Hồng quân chao đảo với nhiều tổn thất nhưng rốt cuộc, lãnh tụ Stalin vẫn tiếp tục chèo lái được Liên Xô (với Nga là thành viên lớn nhất). Người Nga sau đó tiếp tục trải qua trận chiến Stalingrad nổi tiếng với bao hy sinh mất mát nhưng người dân vẫn tin tưởng vào ban lãnh đạo cao nhất của họ.

Kịch bản vượt giới hạn, biến thành thảm họa Thế chiến

Tất nhiên, các dữ liệu hiện nay cho thấy thế giới chưa hẳn đang bước vào một cuộc chiến tổng lực toàn cầu. Nhưng các kịch bản chính hiện này đều dự báo một bước ngoặt theo hướng tồi tệ nhất, như sau:

Thứ nhất, nếu phòng tuyến Nga sụp đổ trên diện rộng, quân Ukraine đột phá được qua Zaporizhzhia, Kherson và các khu vực xung quanh, thiết lập được đầu cầu tiến vào bán đảo Crimea, thì điều đó có thể thúc đẩy Nga triển khai vũ khí hạt nhân (cấp chiến thuật hoặc chiến lược) để khôi phục thế cân bằng. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev đã liên tục cảnh báo rằng Nga sẽ không ngần ngại sử dụng các vũ khí như vậy nếu cần thiết.

Thứ hai, nếu quân đội Ukraine vỡ trận, Kiev thất thủ thì điều này có thể buộc Mỹ và các đồng minh NATO phải tung các vũ khí mới, có sức hủy diệt lớn hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine, thậm chí có thể triển khai lục quân của chính họ tới đây để khôi phục thế cân bằng.

Trong bất cứ tình huống nào, con đường tới Thế chiến III là điều hiện hữu chứ không phải là khoa học viễn tưởng nữa.

Nói rộng ra, một sự tính toán sai lầm của bất cứ bên nào cũng có thể dẫn tới các hậu quả không mong muốn. Chẳng hạn, nếu một pháo đội phòng không của Nga bắn hạ một máy bay tiêm kích của NATO vượt không phận Ba Lan bay vào Ukraine do lỗi điều hướng, điều đó có thể kích thích NATO áp dụng Điều 5 của khối này. Tương tự, nếu tên lửa tầm xa của Nga vô tình đánh phải một mục tiêu bên trong lãnh thổ một nước NATO là láng giềng của Ukraine, gây ra nhiều ca tử vong, thì điều 5 nói trên cũng dễ dàng được kích hoạt.

Nếu một quốc gia khác gia nhập xung đột quân sự Ukraine, điều này có thể làm cho xung đột lan rộng. Thực tế, trong 18 tháng đầu tiên của cuộc xung đột này, đã có hàng ngàn chiến binh ngoại tham gia hai bên của xung đột. Tình hình này gợi nhắc lại ký ức về các lữ đoàn quốc tế từng tham gia Nội chiến Tây Ban Nha giữa phe Quốc dân và phe Cộng hòa (1936–1939).

Khi thế giằng co trên chiến trường Ukraine kéo dài, có thể sẽ có nhiều nước nữa nhập cuộc. Belarus, đồng minh thân thiết của Nga, là một ứng viên hàng đầu. Triều Tiên cũng rất nhiệt tình ủng hộ Nga. Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong Un mới đây đã đích thân sang thăm Nga bằng tàu hỏa.

Ở chiều ngược lại, Anh, Đức và Pháp còn tỏ ra dè dặt về việc đưa binh sĩ sang Ukraine nhưng Ba Lan lại có một lịch sử quan hệ căng thẳng với nước Nga nên khó loại trừ khả năng Ba Lan sẽ hỗ trợ Ukraine theo lối trực tiếp.

Những van hãm an toàn

Tuy nhiên, vẫn có những kịch bản tốt lành có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine .

Trước hết, cả Ukraine và Nga đều cho thấy họ có khả năng kiềm chế thông qua các đợt ngừng bắn, tránh cho xung đột khỏi mở rộng thành một cuộc chiến tổng lực sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Cả hai có thể đồng ý đình chiến nếu điều này không đồng nghĩa với một bên nào đó chấp nhận thất bại.

Một tình huống bất ngờ khác cũng phải tính tới là kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ứng cử và tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Nếu ông Trump quay trở lại được Nhà Trắng vào năm tới, khả năng cao ông sẽ giữ lời hứa là cắt toàn bộ viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như gây sức ép lên các nước NATO khác, yêu cầu họ cùng ngưng viện trợ cho Ukraine. Trong kịch bản đó, quân đội Ukraine có thể sẽ phải tìm kiếm một lệnh ngừng bắn.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

APEC kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương, cải cách WTO

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 17/11 ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác đa phương hiệu quả để đối phó với nhiều thách thức trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, môi trường, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc sởi trên toàn cầu tăng tới 20%

Số ca mắc bệnh sởi trên thế giới trong năm 2023 đã tăng 20% so với năm trước đó lên 10,3 triệu ca, cho thấy khoảng trống đáng báo động trong việc bao phủ vaccine ngừa bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu, được đưa ra trong báo cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, công bố ngày 14/11.

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

AFD đánh giá cao Việt Nam trong lồng ghép mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững

Ngày 12/11 tại cuộc tọa đàm ở trụ sở Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ở thủ đô Paris, các chuyên gia nhận định rằng Việt Nam có sự ổn định chính trị-xã hội cao, cùng với sự thận trọng trong việc điều hành các công cụ chính sách, trong đó có ngân sách và tiền tệ. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có sức hút và triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng vững chắc.

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Thách thức với Thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ mới

Ông Ishiba Shigeru đã tái đắc cử chức Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 11/11 và sẽ thành lập một chính phủ thiểu số. Trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, nội các của ông Ishiba đã từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Qatar tuyên bố tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về Gaza

Ngày 9/11 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar, Majed Al Ansari, tuyên bố nước này tạm ngừng vai trò trung gian đàm phán về một lệnh ngừng bắn và trao trả con tin tại Dải Gaza cho tới khi Hamas và Israel chứng minh được “thái độ nghiêm túc” trong đối thoại.

fbytzltw