
Theo hãng tin Al Jazeera ngày 14/7, Tổng thống Cameroon, ông Paul Biya, năm nay 92 tuổi, đã tuyên bố kế hoạch tranh cử nhiệm kỳ thứ tám trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 12/10 năm nay.
Ông Biya – người đang giữ kỷ lục là nguyên thủ quốc gia đang tại nhiệm lớn tuổi nhất thế giới – đã đưa ra tuyên bố này vào ngày Chủ nhật (13/7) trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh.
“Tôi là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống. Hãy yên tâm rằng quyết tâm phục vụ của tôi tương xứng với tính cấp bách của những thách thức mà chúng ta đang đối mặt”, ông Biya viết.
Ông Biya, người đang theo đuổi một nhiệm kỳ mới có thể giúp ông cầm quyền cho đến gần 100 tuổi, đã nắm quyền từ hơn bốn thập kỷ trước – vào năm 1982 – khi người tiền nhiệm Ahmadou Ahidjo từ chức.
Sức khỏe của ông thường xuyên là chủ đề gây đồn đoán, đặc biệt là vào năm ngoái khi ông biến mất khỏi công chúng suốt 42 ngày. Mặc dù việc ông tái tranh cử đã được dự đoán từ lâu, nhưng mãi đến bài đăng trên mạng xã hội hôm 13/7 thì điều đó mới được xác nhận chính thức.
Trong thời gian chuẩn bị cho tuyên bố này, ông Biya đã đăng bài thường xuyên trên tài khoản X chính thức của mình. Năm 2018, lần đầu tiên ông cũng dùng mạng xã hội để công bố tranh cử – một hành động hiếm hoi cho thấy ông trực tiếp tiếp cận công chúng qua nền tảng kỹ thuật số.
Kể từ năm ngoái, các thành viên của đảng Dân chủ Nhân dân Cameroon (CPDM) cầm quyền và những người ủng hộ khác đã công khai kêu gọi ông Biya ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tuy nhiên, các đảng đối lập và một số tổ chức xã hội dân sự lập luận rằng thời gian cầm quyền kéo dài của ông đã kìm hãm sự phát triển kinh tế và dân chủ. Hai đồng minh cũ của ông đã rút khỏi liên minh cầm quyền và tuyên bố sẽ tự mình ra tranh cử.
Tuyên bố hôm 13/7 của ông Biya chắc chắn sẽ làm dấy lên cuộc tranh luận về việc chính trị gia này có còn đủ năng lực đảm nhiệm cương vị nguyên thủ quốc gia hay không.
Ông Biya hiếm khi xuất hiện trước công chúng và thường giao phó quyền lực cho Chánh văn phòng tổng thống – một người có ảnh hưởng lớn.
Vào tháng 10 năm ngoái, ông Biya trở lại Cameroon sau 42 ngày vắng bóng, làm dấy lên nghi ngờ rằng ông bị ốm. Chính phủ khẳng định ông vẫn khỏe mạnh nhưng lại cấm mọi cuộc thảo luận về tình trạng sức khỏe của ông, coi đây là “vấn đề an ninh quốc gia”.
Ông Biya đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ vào năm 2008, mở đường cho ông tái tranh cử vô thời hạn. Ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018 với 71,28% số phiếu, mặc dù các đảng đối lập cáo buộc có nhiều gian lận nghiêm trọng.
Quốc gia Trung Phi giàu ca cao và dầu mỏ này – vốn chỉ có hai đời tổng thống kể từ khi giành độc lập từ Pháp và Anh vào đầu những năm 1960 – có khả năng sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kế vị phức tạp nếu ông Biya trở nên quá yếu để tiếp tục cầm quyền hoặc qua đời.
Bên cạnh ông Biya, một số nhân vật đối lập cũng đã tuyên bố sẽ tranh cử, bao gồm người về thứ hai trong cuộc bầu cử năm 2018, ông Maurice Kamto (thuộc Phong trào Phục hưng Cameroon), ông Joshua Osih (Mặt trận Dân chủ Xã hội), luật sư Akere Muna và ông Cabral Libii (Đảng Hòa giải Quốc gia Cameroon).
Tất cả những ứng viên này đều chỉ trích thời gian cầm quyền quá lâu của ông Biya và kêu gọi cải cách nhằm đảm bảo một cuộc bầu cử công bằng vào năm 2025.
Dưới thời ông Biya, Cameroon phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và an ninh trên nhiều mặt trận, bao gồm cuộc xung đột ly khai kéo dài ở các khu vực nói tiếng Anh và các cuộc tấn công liên tục từ nhóm vũ trang Boko Haram ở phía Bắc.