Từ một vị quan thanh liêm của triều Nguyễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đi theo cách mạng, trở thành một trong 10 người ở Ban Cố vấn do Hồ Chủ tịch đích thân đề nghị.
Sáng 16/9, Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) Bùi Bằng Đoàn (19/9/1889 - 19/9/2019) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc... tổ chức tại Hà Nội.
Trong diễn văn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cụ Bùi Bằng Đoàn có tri thức uyên bác, 17 tuổi đã đỗ Cử nhân, sau đó tốt nghiệp thủ khoa Trường Hậu Bổ. Làm quan trong triều đình Huế, từ Tri huyện tập sự ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, đến Án sát tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bố chính tỉnh Phúc Yên, rồi Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, tỉnh Ninh Bình..., cụ nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực.
Ngay trên công đường, cụ cho treo bảng thông báo công khai "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ là người đã đề xuất và tổ chức đắp con đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu. "Ghi nhận công đức to lớn của cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tế sống vị "Phụ mẫu chi dân" ngay tại nơi cụ về nhậm chức và làm việc", bà Ngân nói.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (ngoài cùng bên phải) năm 1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. |
Sự liêm khiết, chính trực của cụ Bùi Bằng Đoàn cũng được nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đánh giá là bài học quý giá có giá trị xuyên suốt đối với các thế hệ đại biểu Quốc hội. "Ngày nay trong bối cảnh phòng chống tham nhũng mạnh mẽ, cụ là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên học tập, thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu", ông Đàn nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cụ Đoàn luôn dũng cảm lên tiếng bênh vực, bảo vệ quyền lợi của những người dân yếu thế trong xã hội. Đơn cử như năm 1928, triều đình Huế đã cử cụ vào Nam Bộ thanh tra các đồn điền cao su của người Pháp. Sau một thời gian làm việc, cụ đã viết bản báo cáo dày 100 trang bằng tiếng Pháp, nêu rõ thực trạng khổ ải và những điều bất công trong chính sách đối xử với phu đồn điền. Bản kiến nghị của cụ tuy không được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận toàn bộ, nhưng cũng phần nào giảm được sự hà khắc trong chính sách của Pháp đối với phu đồn điền thời đó.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), vua Bảo Đại xuống chiếu thành lập Chính phủ mới. Chán ghét cảnh quan trường trong thời buổi loạn lạc, cụ Bùi Bằng Đoàn xin từ quan về quê nghỉ ngơi. Chính phủ Nam triều nhất quyết không chấp nhận và giao cho cụ giữ chức Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Trong thời gian đó, Mặt trận Việt Minh đã có liên hệ và mời cụ làm Hội trưởng Hội bảo vệ tù chính trị.
Sau cách mạng Tháng Tám, vua Bảo Đại thoái vị, cụ Bùi Bằng Đoàn lui về sống ở quê nhà. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập trong điều kiện cách mạng gặp nhiều khó khăn bởi sự chống phá của thù trong, giặc ngoài. Lúc này, để đoàn kết dân tộc và tìm người tài đức phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm Cố vấn cho Chính phủ.
Trong bức thư đề ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc".
Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn rời quê đi theo cách mạng, trở thành một trong 10 người ở Ban Cố vấn của Chính phủ mà Bác Hồ đích thân đề nghị trong phiên họp của Chính phủ ngày 14/11/1945.
Năm 1946, Cụ Bùi Bằng Đoàn được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông và tháng 11 năm đó được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội, thay Cụ Nguyễn Văn Tố. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập trung toàn lực cho cuộc kháng chiến.
Cuối năm 1948, đầu năm 1949, cụ Đoàn lâm bệnh nặng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đưa cụ vào vùng tự do Thanh Hóa yên tâm chữa bệnh. Ngày Hà Nội được giải phóng, Trung ương đón cụ về ở tại nhà số 10 phố Trần Hưng Đạo, gần Bệnh viện Quân đội 108 để tiện chữa bệnh. "Từ khi cụ Bùi chuyển về Hà Nội, Bác Hồ thường xuyên đến thăm cụ và có hôm hai người đàm đạo tới tận khuya", bà Ngân cho hay.
Ngày 13/4/1955, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn từ trần.