Satoru Araki đang tỉ mỉ cắt miếng chutoro (cá ngừ béo vừa) thành từng miếng khi anh phục vụ món nigirizushi (sushi ép bằng tay) ở khu ngoại ô Hiroo thượng lưu ở Tokyo.
Từng là võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp, Araki đã mở nhà hàng Sushi Satoru vào tháng 7/2022 - một quầy bán hàng đơn giản gồm sáu chỗ ngồi đã tạo được tiếng vang trong làng sushi ở Tokyo.
Trên quầy là bản sao Cẩm nang Michelin Tokyo 2024, trong đó Sushi Satoru được nhắc đến lần đầu tiên. Nhà hàng này vẫn chưa giành được sao Michelin, nhưng cuốn cẩm nang đã thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài đến Nhật Bản, điều mà Araki muốn khuyến khích.
Đầu bếp này cho biết: “Trong vài tháng tới, tôi đang nghĩ đến việc mở dịch vụ đặt chỗ trực tuyến trên Omakase, một trang web đặt phòng dành cho du khách nước ngoài”.
Các giải thưởng quốc tế đã thúc đẩy sự quan tâm đến ẩm thực Tokyo thành một cơn sốt - thành phố này tự hào có 183 nhà hàng được gắn sao Michelin, trong đó có 12 nhà hàng ba sao và là điểm đến hàng đầu trong danh sách 50 Nhà hàng Tốt nhất châu Á năm 2023, một hướng dẫn thường niên khác được những người sành ăn theo dõi.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở trong số này vẫn nằm ngoài tầm với của tất cả mọi người, trừ những thực khách giàu có nhất vì nhu cầu ăn uống sang trọng đang vượt xa nguồn cung.
Số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản sụt giảm trong đại dịch COVID-19, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 25 triệu khách vào năm 2023 - bằng 79% so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2019.
Với xu hướng tăng dự kiến sẽ tiếp tục, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách chuyển trọng tâm du lịch của đất nước sang chất lượng thay vì số lượng, nhằm giảm bớt áp lực của tình trạng quá tải du lịch.
Vào tháng 2/2023, Nhật Bản tuyên bố đặt mục tiêu đạt được mức chi tiêu 200.000 yên (1.293 USD) cho mỗi du khách vào năm 2025 - đã bị vượt qua chỉ bảy tháng sau đó.
Nhật Bản cũng nới lỏng quy định cấp phép hạ cánh cho máy bay tư nhân vào tháng 6, trong khi Cơ quan Du lịch Nhật Bản gần đây đã chọn 11 địa điểm trong khu vực để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ cho người giàu.
Naomi Mano, Giám đốc điều hành của Luxurique, một công ty quản lý khách sạn và sự kiện có trụ sở tại Tokyo và Kyoto chuyên về các chuyến du lịch sang trọng, cho biết ẩm thực đẳng cấp thế giới của Nhật Bản là yếu tố chính trong sự thay đổi hướng tới những du khách giàu có.
Mano cho biết: “Khách hàng sẽ có một danh sách các nhà hàng mà họ muốn đến thưởng thức trong thời gian một năm, và họ đưa cho chúng tôi danh sách đó, rồi yêu cầu cho họ biết thời điểm họ có thể đến khi chúng tôi đảm bảo đặt được chỗ tại nhà hàng đó”.
Tuy nhiên, đối với những khách hàng thuộc nhóm giàu có - trái ngược với nhóm siêu giàu ở trên, việc có được lịch đặt bàn trùng với ngày đi nghỉ của họ có thể giống như một trò xổ số.
Một số nhà hàng gắn sao Michelin đã được đặt trước từ nhiều tháng - nếu không nói là nhiều năm - và họ thấy không cần thiết phải tranh thủ thị trường nước ngoài.
Trong khi các nhà hàng được xếp hạng hàng đầu không cần phải lo lắng về việc lấp đầy chỗ ngồi, thì vẫn có những dấu hiệu miễn cưỡng trong việc đáp ứng du khách nước ngoài ở các nhà hàng ít danh tiếng hơn.
Một cuộc khảo sát vào tháng 10/2023 với 1.000 người trong ngành nhà hàng do dịch vụ đặt chỗ trực tuyến TableCheck thực hiện cho thấy 22,6% không muốn tỷ lệ khách hàng nước ngoài tăng lên, cho rằng giao tiếp là mối quan tâm lớn nhất.
Mikako Mochizuki, quản lý của TableCheck, cho biết nhiều nhà hàng thích tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng địa phương.
Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng cách tiếp cận này có thể sắp thay đổi. Dữ liệu từ 7.000 nhà hàng cho thấy lượng đặt chỗ của khách hàng Nhật Bản đã tăng trở lại 70% so với mức trước đại dịch và tốc độ tăng đã giảm dần.
Ngược lại, số lượt đặt chỗ của khách hàng nước ngoài lại tăng mạnh, với số lượt đặt chỗ vào tháng 12/2022 cao hơn gần 280% so với tháng 12/2019.
Các nhà hàng cao cấp cũng đang nhảy vào cuộc. TableCheck đã bắt đầu hợp tác với Michelin Guide vào năm ngoái, với hơn 200 nhà hàng được đề cập trong cẩm nang cho phép đặt chỗ trực tuyến - một động thái giúp du khách nước ngoài dễ tiếp cận hơn đáng kể.
Tuy nhiên, số lượng tương đối nhỏ các nhà hàng cao cấp, kể cả những nhà hàng không có sao Michelin, đã hạn chế khả năng đóng góp cho nền kinh tế Nhật Bản, chưa nói đến mục tiêu của chính phủ là giảm bớt tình trạng quá tải du lịch.
Chính phủ và các nhà điều hành tour du lịch sang trọng đang chuyển sự chú ý sang các khu vực ngoài Tokyo và Kyoto, nhưng việc thu hút khách du lịch đi xa hơn vẫn là một thách thức.
Mac Salman, người sáng lập Maction Planet, một công ty du lịch có trụ sở tại Tokyo chuyên lập các tour du lịch Nhật Bản theo yêu cầu, cho biết rất khó để lôi kéo những du khách lần đầu đến Nhật Bản rời khỏi “con đường vàng” gồm các địa điểm nổi tiếng như Tokyo, Kyoto và Osaka.
Nhận thấy rằng du lịch ẩm thực thôi sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu du lịch chất lượng, chính phủ và ngành du lịch Nhật Bản cũng đang thúc đẩy du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch mạo hiểm để thu hút du khách nước ngoài.