Năm 2013, cuộc sống của gia đình bà Vàng Thị Liệu, ở thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà trở nên khá hơn. Sau nhiều năm, cái đói, nghèo “đeo bám” thì đến nay gia đình bà đã thoát nghèo.

Nhờ vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, nhiều gia đình đã thoát được nghèo.
Trong ngôi nhà gỗ 5 gian vững chắc, với đầy đủ các vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt như ti vi, xe máy, bà Liệu phấn khởi: Gia đình tôi có được như ngày hôm nay, phần lớn cũng là nhờ vào nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đây thực sự là động lực để gia đình phấn đấu có cuộc sống ổn định hơn.
Với phương châm cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiện tổng dư nợ của khách hàng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà đạt 122,5 tỷ đồng, hàng nghìn lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn vay. |
Năm 2009, gia đình bà Liệu được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà cho vay 15 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế. Có nguồn vốn, lại được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng ngân hàng và cán bộ khuyến nông, gia đình bà Liệu đã mua 1 con trâu sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt nên sau 2 năm trâu đã sinh nghé, bán trâu con được 15 triệu đồng, bà Liệu dùng khoản tiền thu được để đầu tư vào xây dựng chuồng trại, mua thêm ngựa sinh sản về nuôi. Ngoài ra, mỗi năm gia đình cũng thu về trên 1 tấn ngô hạt đủ phục vụ cho chăn nuôi lợn, gà và thức ăn cho đàn gia súc. Ðến nay, mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại cho gia đình bà Liệu khoản thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Tương tự, gia đình ông Hà Văn Lịch, ở thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, cũng đã dần thoát nghèo nhờ vào nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà. Sau 2 lần vay với số vốn 40 triệu đồng, ông Lịch đã đầu tư vào việc chăn nuôi lợn đen địa phương. Vừa chăn nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm của các hộ dân trong xã, ông Lịch luôn duy trì đàn lợn thịt trên 10 con và 1 con lợn nái, ngoài ra ông còn nuôi 1 con trâu sinh sản, trồng hơn 10 kg ngô giống, mô hình này mỗi năm mang về cho gia đình nguồn thu trên 50 triệu đồng.
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Hà được coi như “bà đỡ” của nhiều hộ nghèo ở Bắc Hà, nguồn vốn vay giúp hàng trăm hộ dân nơi đây vượt qua khó khăn, nâng cao đời sống. Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà cho biết: Bắc Hà có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, một trong những nguyên nhân là thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Với cơ chế tạo thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, trong những năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã được ngân hàng giải ngân kịp thời đến hộ nghèo. Nguồn vốn này đã tích cực hỗ trợ các gia đình nghèo khắc phục khó khăn, từng bước ổn định đời sống.
Một trong những “mắt xích” quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ủy thác là thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn. Tổ tiết kiệm vay vốn cũng là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, tăng tính tương trợ giữa khách hàng với khách hàng, giữa khách hàng và ngân hàng.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Hà đã bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của huyện, các tổ chức đoàn thể địa phương trong lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao vào sản xuất. Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi là tạo cơ hội cho 5.288 hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cũng nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bắc Hà hằng năm giảm 5% - 7%.
Với vai trò “cầu nối” chính sách của Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Hà đã và đang nỗ lực tạo sức bật cho hộ khó khăn trên địa bàn huyện thoát nghèo.